5 mạch nội dung chính của môn Công nghệ trong Chương trình mới

GD&TĐ - Theo PGS.TS Lê Huy Hoàng, Chủ biên chương trình môn Công nghệ, Trưởng khoa Sư phạm Kỹ thuật, Trường ĐHSP Hà Nội, chương trình môn Công nghệ mới có 5 mạch nội dung chính gồm: Công nghệ và đời sống; Lĩnh vực sản xuất chủ yếu; Công nghệ phổ biến; Phát triển công nghệ; Hướng nghiệp.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Nội dung cốt lõi và nội dung đặc thù

Trong đó, các mạch công nghệ và đời sống, phát triển công nghệ và hướng nghiệp được bổ sung, chú trọng hơn so với chương trình hiện hành.

Cụ thể, Công nghệ ở tiểu học giới thiệu về thế giới kỹ thuật, công nghệ gần gũi thông qua các chủ đề đơn giản về công nghệ và đời sống, một số sản phẩm công nghệ trong gia đình mà học sinh tiếp xúc hằng ngày, an toàn với công nghệ trong nhà; thiết kế kỹ thuật, công nghệ thông qua các hoạt động thủ công kỹ thuật, lắp ráp các mô hình kỹ thuật đơn giản, trồng và chăm sóc hoa, cây xanh trong môi trường gia đình, nhà trường.

Ở trung học cơ sở, môn Công nghệ đề cập tới tri thức, kỹ năng về công nghệ trong phạm vi gia đình; những nguyên lý cơ bản về các quá trình sản xuất chủ yếu; cơ sở ban đầu về thiết kế kỹ thuật; phương pháp lựa chọn nghề cùng với thông tin về các nghề nghiệp thuộc các lĩnh vực sản xuất chủ yếu thông qua các mạch nội dung: Công nghệ trong gia đình; Nông – Lâm nghiệp; Thuỷ sản và Công nghiệp; Thiết kế kỹ thuật; Hướng nghiệp.

Nội dung môn Công nghệ trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp chú trọng tới những kiến thức tổng quan, đại cương và định hướng nghề về công nghệ thông qua các nội dung về bản chất của công nghệ, vai trò và ảnh hưởng của công nghệ với đời sống xã hội, mối quan hệ giữa công nghệ với các lĩnh vực khoa học khác; các tri thức, năng lực nền tảng phù hợp và kết nối được với các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ thuộc một trong hai định hướng Công nghiệp và Nông nghiệp mà học sinh lựa chọn sau khi tốt nghiệp.

PGS.TS Lê Huy Hoàng cho biết: Trong dạy học công nghệ, có những nội dung cơ bản, cốt lõi, phổ thông tất cả học sinh đều phải học. Bên cạnh đó, có những nội dung có tính đặc thù, chuyên biệt nhằm đáp ứng nguyện vọng, sở thích của học sinh, phù hợp với yêu cầu của từng địa phương, vùng miền.

Dạy học công nghệ cần lựa chọn, sử dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học phát huy tính chủ động, sáng tạo, tích cực và phù hợp với sự hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho người học. Quan tâm tới học tập dựa trên hành động, trải nghiệm; tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề thực tiễn nhằm nâng cao hứng thú học tập của học sinh, góp phần hình thành năng lực, phẩm chất môn học đảm nhiệm.

Phát triển năng lực sử dụng, giao tiếp, đánh giá, thiết kế công nghệ

Trả lời câu hỏi: chương trình hướng tới đầu ra học sinh có những khả năng như thế nào? PGS.TS Lê Huy Hoàng chia sẻ: Môn Công nghệ có nhiệm vụ trực tiếp là hình thành và phát triển năng lực công nghệ cho học sinh. Năng lực này bao gồm năm năng lực thành phần có mối quan hệ, tương hỗ lẫn nhau được diễn giải như sau:

 

Trong đó, hiểu biết công nghệ là năng lực phản ánh nội dung học tập phổ thông cốt lõi về công nghệ trên các phương diện bản chất của công nghệ; mối quan hệ giữa công nghệ, con người, xã hội; một số công nghệ phổ biến, các quá trình sản xuất chủ yếu có ảnh hưởng và tác động lớn tới kinh tế, xã hội trong hiện tại và tương lai; phát triển và đổi mới công nghệ; nghề nghiệp và định hướng nghề nghiệp trong môi trường kỹ thuật, công nghệ chủ yếu ở Việt Nam.

Giao tiếp công nghệ: Là năng lực lập, đọc, trao đổi tài liệu về các sản phẩm, quá trình, dịch vụ công nghệ, để diễn tả hiểu biết công nghệ; được dùng trong quá trình thiết kế, sử dụng, đánh giá kỹ thuật, công nghệ.

Sử dụng công nghệ: Là năng lực tiếp cận, khai thác, loại bỏ các sản phẩm, quá trình, dịch vụ công nghệ đúng chức năng, đúng kỹ thuật, đảm bảo tính hiệu quả, sự an toàn cho người, thiết bị và môi trường sống.

Đánh giá công nghệ: Là năng lực đưa ra những nhận định về một sản phẩm, quá trình, dịch vụ công nghệ với góc nhìn đa chiều về vai trò, chức năng, ý nghĩa, chất lượng, kinh tế, tác động môi trường, và những mặt trái nếu có của kỹ thuật, công nghệ.

Thiết kế công nghệ: Là năng lực phát hiện nhu cầu, vấn đề cần giải quyết, cần đổi mới trong thực tiễn; đề xuất giải pháp kỹ thuật, công nghệ đáp ứng nhu cầu, giải quyết vấn đề đặt ra; hiện thực hoá giải pháp kỹ thuật, công nghệ; thử nghiệm và đánh giá mức độ đáp ứng nhu cầu, vấn đề đặt ra. Quá trình trên được thực hiện trên cơ sở xem xét đầy đủ các khía cạnh về tài nguyên, môi trường, kinh tế và nhân văn.

Trong chương trình môn Công nghệ, năng lực công nghệ vừa là mục tiêu cần đạt về năng lực (được mô tả theo từng cấp học), vừa là yếu tố chi phối các thành phần khác trong chương trình. Năng lực công nghệ và các mạch nội dung của môn Công nghệ là hai thành phần cốt lõi của chương trình môn học, có tác động hỗ trợ qua lại. Năng lực công nghệ góp phần định hướng lựa chọn mạch nội dung; ngược lại, mạch nội dung là chất liệu và môi trường góp phần hình thành phát triển năng lực, định hướng hoàn thiện mô hình năng lực công nghệ.

Năng lực công nghệ được hình thành và phát triển thông qua các hoạt động dạy và học. Ở mỗi mạch nội dung, chủ đề cụ thể, yêu cầu cần đạt đối với học sinh phản ánh mức độ cần đạt được một hay một số thành tố đã được mô tả trong khung năng lực công nghệ.

"Với kết quả đầu ra như trên, chương trình môn Công nghệ không chỉ giúp học sinh có được hiểu biết công nghệ, mà còn hình thành và phát triển ở các em các năng lực sử dụng, giao tiếp, đánh giá và thiết kế công nghệ. Đây là những năng lực quan trọng góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giúp con người học tập, làm việc hiệu quả, an toàn trong môi trường công nghệ" - PGS.TS Lê Huy Hoàng khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ