Dưới đây là 5 lý do khiến trẻ bị giảm thính lực mà phụ huynh cần lưu ý:
1. Sống trong môi trường nhiều tiếng ồn
Không chỉ trẻ em, mà ngay cả người lớn khi sống trong môi trường nhiều tiếng ồn thì thính lực đều sẽ bị suy giảm. Một nghiên cứu cho thấy mức độ nhạy cảm của trẻ đối với âm thanh cao hơn người lớn, những loại tạp âm vượt qua 70 dB sẽ gây tổn thương hệ thống thính giác của trẻ, khi tạp âm đạt đến mức 80 dB sẽ xuất hiện những vấn đề gây trở ngại cho thính giác.
Trẻ em thường thích chơi bóng bay nổ, pháo nổ, nhưng tiếng nổ lớn sẽ gây tổn thương lớn đối với tai của các bé, vì vậy đừng để trẻ đứng gần pháo nổ hoặc nhanh chóng che tai của trẻ lại khi pháo sắp nổ.
2. Tát vào tai trẻ
Thường ngày nếu trẻ không nghe lời thì cha mẹ dù có giận cũng cố gắng kiềm chế chứ đừng tát trẻ, bởi vì như vậy cũng sẽ có nguy cơ khiến trẻ bị điếc, bởi khi tát vào tai trẻ sẽ tạo ra áp lực rất lớn gây sốc màng nhĩ, khiến trẻ bị tổn thương thính lực.
3. Không trị dứt điểm bệnh về tai
Khi bị bệnh viêm tai giữa có mủ mãn tính hoặc liên tục xuất hiện tình trạng viêm tai giữa, cha mẹ nên lập tức đưa trẻ đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và chữa trị nhằm kiểm soát sự phát triển của bệnh một cách hữu hiệu, như vậy sẽ giảm một phần ảnh hưởng đến thính lực sau này của trẻ.
Nếu tình trạng khá nặng thì cần cho trẻ làm phẫu thuật vá màng nhĩ, nếu không khi bị viêm nhiễm trở lại, mủ sẽ gây tổn thương xương bên trong tai, có thể gây ảnh hưởng đến thính lực của trẻ. Vì vậy hãy chữa trị dứt điểm nếu con bạn có bệnh về tai.
4. Nước vào tai
Cần phải bảo vệ tai của trẻ khi bơi lội hoặc nghịch nước, bởi vì nếu nước vào tai mà không kịp thời làm sạch sẽ gây viêm nhiễm bên trong tai, từ đó làm tổn thương thính lực. Vì vậy, khi đi bơi hãy cho trẻ đeo bịt tai, nếu bất cẩn để nước vào tai thì phải kịp thời nghiêng để dốc nước ra ngoài.
5. Thuốc có tác dụng phụ gây hại cho tai
Trẻ cần phải uống thuốc khi bị bệnh, nhưng có một vài loại thuốc sẽ gây tác dụng xấu đến hệ thần kinh thính giác của tai ở những trẻ có thể chất khá nhạy cảm, dù khi bác sĩ tiêm thuốc cho trẻ, phụ huynh cũng cần phải theo dõi thính lực của con xem liệu có bị ù tai hay gặp điều gì bất thường ở tai hay không, nếu có thì phải lập tức ngưng thuốc và thăm khám kịp thời, nếu không độc tính của thuốc sẽ gây tổn thương tai, khiến dần dần mất đi thính lực.