5 lầm tưởng về “giáo dục toàn diện” cho con cha mẹ nào cũng mắc phải

Bằng cách ăn cơm với con ít nhất mỗi ngày một bữa, đọc sách cho con trước khi đi ngủ và ôm con thật nhiều mỗi ngày, bạn giúp trẻ hiểu cha mẹ quan tâm đến con nhiều như thế nào.

5 lầm tưởng về “giáo dục toàn diện” cho con cha mẹ nào cũng mắc phải

Kết thúc 2 tháng hè, cô con gái 5 tuổi của chị Vân Anh (Quận Tây Hồ, Hà Nội) đã “chạy sô” đến 3 lớp năng khiếu: học đàn, học vẽ và học bơi. Mệt phờ vì đưa đón con đi học, nhưng chị Vân Anh vẫn cảm giác lăn tăn: “Mình không biết mình lựa chọn như vậy có đúng không"

"Học phí đắt đỏ, mất công đưa đón con đi học mà chẳng thấy cháu có hào hứng gì với việc học. Cũng muốn con phát triển toàn diện nhưng không biết mình có đang bắt ép con quá không?”

Trường hợp chị Vân Anh không phải là cá biệt, bởi hiện nay các bố mẹ đang có quá nhiều lầm tưởng về giáo dục toàn diện.

  Giáo dục toàn diện không nhất thiết là phải đưa con đến thật nhiều lớp học năng khiếu, kỹ năng

Giáo dục toàn diện không nhất thiết là phải đưa con đến thật nhiều lớp học năng khiếu, kỹ năng

1. Coi thường việc đọc sách cho con

Khá nhiều bố mẹ Việt cho rằng “Con còn bé tí, đã hiểu gì đâu mà đọc”. Đừng lầm tưởng như vậy! Ngay cả khi trẻ còn quá nhỏ để hiểu tất cả những gì mà cha mẹ nói, bé vẫn có thể học cách chú ý vào giai điệu của ngôn ngữ, từ đó hình thành vốn từ phong phú cho bé sau này.

Mặt khác, được cha, mẹ đọc cho nghe những câu chuyện với giọng đọc trìu mến giúp bé dễ dàng kiểm soát cảm xúc của mình. Một nghiên cứu của Học Viện Giáo dục Anh Quốc chỉ ra rằng các bé 5 tuổi được cha mẹ đọc sách cho nghe hằng ngày thường gặp ít khó khăn về điều khiển hành vi ở trường học.

2. “Phát triển toàn diện” không phải là cái gì cũng giỏi

Các bố mẹ Việt thường quá nôn nóng, chỉ trong mấy tháng hè muốn con được học “càng nhiều càng tốt” các môn năng khiếu để phát triển toàn diện cả tinh thần và thể chất. Trường hợp của chị Vân Anh có thể là minh họa cho sai lầm này.

Mỗi đứa trẻ đều có một năng khiếu đặc biệt nào đó. Một số bé thể hiện năng khiếu trong các môn học ở trường, một số bé lại thể hiện năng khiếu trong những hoạt động ngoại khóa như: hội họa, múa, ca hát…

Việc phát hiện, khơi gợi, giúp con phát triển năng khiếu cần một quá trình lâu dài.

  Mỗi đứa trẻ đều có một tài năng đặc biệt nào đó

Mỗi đứa trẻ đều có một tài năng đặc biệt nào đó.

Với các môn năng khiếu, không nhất thiết cha mẹ phải tốn kém tiền cho con đi học, chỉ để phát hiện ra rằng: bé chẳng có năng khiếu mà cũng chẳng hứng thú chút nào với môn học này.

Hãy chơi cùng con để phát hiện bé có năng lực gì đặc biệt. Chơi đuổi bắt với con ở công viên, đuổi theo lũ đom đóm trong chuyến dã ngoại, khiêu vũ trong phòng khách, ca hát trong tiệc sinh nhật… Đừng bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để phát hiện và nuôi dưỡng những “hạt mầm” năng khiếu của bé.

Các chuyên gia giáo dục cũng gợi ý chính bản thân bố mẹ đừng bỏ rơi sở thích cá nhân. Hãy thể hiện sự say mê với một, hai môn nghệ thuật hay thể thao nào đó – bạn sẽ thực sự bất ngờ vì chính bản thân mình có thể truyền cảm hứng cho con.

3. Không tôn trọng cách con xử lý vấn đề

Có rất nhiều cha mẹ chia sẻ trên các diễn đàn về việc làm cách nào để hướng dẫn con viết bằng tay phải, làm cách nào để con học thuộc bảng cửu chương, làm cách nào để con chịu học piano…

Cũng giống như bạn thích ăn món này hơn món kia, việc con lựa chọn môn học ưa thích cũng như học bằng cách nào, hoàn toàn thể hiện cá tính của con và bạn nên tôn trọng.

Đây là việc “tưởng dễ mà khó” với rất nhiều cha mẹ Việt, những người mang nặng suy nghĩ kiểu “Trẻ con thì biết gì”.

Nhà nghiên cứu Howard Gardner (Đại học Harvard, Mỹ) đã tổng hợp trẻ em có 8 loại trí thông minh, nói cách khách là 8 phương thức mà theo đó đứa trẻ có thể tiếp thu kiến thức dễ nhất.

Một số loại trí thông minh đó bao gồm: thông minh ngôn ngữ, thông minh thị giác, thông minh hình thể, thông minh toán – logic học, thông minh tương tác…

Hãy theo dõi xem cách học thường xuyên của con là gì, học theo cách nào con thu được kiến thức nhanh nhất… Ví dụ, nếu con bạn có trí thông minh thị giác, hãy sử dụng thật nhiều thẻ flash card (thẻ hình ảnh) để trẻ ghi nhớ các từ khác nhau.

Nếu trẻ hào hứng với sự tương tác, hãy giúp bé phát triển sở trường này bằng cách kết nối những gì trẻ đang học với đặc điểm của những người, vật thân thuộc xung quanh, ví dụ liên kết những từ miêu tả người với vẻ ngoài của người thân, bạn bè, nhân vật lịch sử...

4. Khen ngợi thành quả, không khen ngợi sự nỗ lực

Thông thường các bố mẹ Việt thường khá “tiết kiệm” lời khen. Nếu khen ngợi, họ thường khen các thành tích mà con đạt được. Những lời khen kiểu: “Con thi học kỳ được hai điểm 10 cơ à, giỏi quá!”, “Con vẽ đẹp đấy, khéo tay quá!”… khá phổ biến.

Theo Giáo sư Carol Dweck (Đại học Stanford, Hoa Kỳ), sự khen ngợi như vậy sẽ “lập trình” một tư duy cực kỳ… có hại cho sự phát triển của con trẻ

Giáo sư Carol gợi ý rằng các bậc cha mẹ nên khen ngợi trẻ vì sự nỗ lực, quá trình chăm chỉ, sự bạo dạn thử nghiệm một môn học mới… thay vì “dán nhãn” cho trẻ là “thông minh” hay “tài năng”.

Tác hại của việc được “dán nhãn” là trẻ sẽ hình thành tư duy theo kiểu đóng kín, sau này các em có xu hướng do dự khi phải đối mặt với khó khăn vì từ nhỏ, chúng đã tin rằng thành công đến từ những năng lực bẩm sinh như “thông minh” hay “khéo tay”.

Ngược lại, những trẻ được khen ngợi do chăm chỉ, nỗ lực sẽ có một tư duy mở. Chúng thường sẵn sàng đối mặt với mọi thử thách, vì chúng tin rằng sự chăm chỉ và các thử nghiệm sẽ đem lại một kỹ năng mới.

  Tư duy mở là điều kiện quan trọng để một đứa trẻ đạt được thành công

Tư duy mở là điều kiện quan trọng để một đứa trẻ đạt được thành công.

5. Lầm tưởng vật chất dư thừa có thể bù đắp sự vắng mặt của cha mẹ

Một giáo viên của một trường quốc tế nổi tiếng ở Hà Nội chia sẻ: “Tôi thấy có một sự khác biệt rõ rệt trong cách ứng xử của các bậc cha mẹ Việt Nam và các cha mẹ người nước ngoài. Ví dụ, cùng đưa con đến trường, nhưng cha mẹ Việt sẽ dừng ô tô lại ngoài cửa, để con tự xách cặp vào lớp.

Còn cha mẹ các nước khác thì đưa con vào tận lớp, ôm con tạm biệt rồi mới quay lại xe. Các buổi ngoại khóa, khi các con diễn kịch, kể chuyện, hoặc chơi bóng rổ… cha mẹ nước ngoài đến cổ vũ, chụp ảnh, tham dự rất nhiệt tình, nhưng gần như không thấy có phụ huynh người Việt”.

Phải chăng cha mẹ Việt bận rộn đến mức không có thời gian dành cho con?

Hoặc họ nghĩ rằng việc bỏ ra hàng chục triệu đồng một tháng để đóng học phí cho con ở một trường quốc tế hàng đầu, như vậy là đủ, con không cần thêm sự quan tâm nào nữa?

Thiếu hụt sự quan tâm, tình yêu thương chính là lỗ hổng lớn nhất trong quá trình giáo dục giúp trẻ phát triển toàn diện.

  Hãy ôm con thật nhiều mỗi ngay để con phát triển khỏe mạnh và hạnh phúc

Hãy ôm con thật nhiều mỗi ngay để con phát triển khỏe mạnh và hạnh phúc.

Bằng cách ăn cơm với con ít nhất mỗi ngày một bữa, đọc sách cho con trước khi đi ngủ và ôm con thật nhiều mỗi ngày, bạn giúp trẻ hiểu cha mẹ quan tâm đến con nhiều như thế nào.

Đó là điều kiện quan trọng nhất để trẻ phát triển khỏe mạnh và hạnh phúc.

Theo Giadinhmoi.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ