5 giải pháp cốt lõi nâng cao chất lượng giáo viên

GD&TĐ - Phân tích thành tựu và cả hạn chế của giáo dục Việt Nam, GS.TS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội - khẳng định quan điểm: Sách lược hàng đầu, cốt lõi có tính chìa khóa theo bài học của các nước thành công trong phát triển chất lượng giáo dục là giải quyết vấn đề giáo viên.

5 giải pháp cốt lõi nâng cao chất lượng giáo viên

Hãy chọn giải pháp cốt lõi

Theo GS Đinh Quang Báo, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu lớn trong giáo dục, như tỉ lệ người đi học cao; chất lượng học tập của học sinh, nhất là học sinh tốp đầu có thể sánh với học sinh các nước tiên tiến; đội ngũ giáo viên về cơ bản đủ về số lượng, cơ cấu môn học, đạt và vượt chuẩn trình độ đào tạo,...;

GD&ĐT đang khởi sắc với nhiều dự án cải cách từ những đổi mới tư duy trong giáo dục. Nhiều mô hình trường học xuất hiện, nhờ đó yếu tố nước ngoài thâm nhập vào nước ta ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, giáo dục Việt nam vẫn còn nhiều bất cập, mà trước hết là chất lượng giáo dục đại trà còn thấp so với yêu cầu thời đại, đặc biệt so với yêu cầu của chính người học, với truyền thống hiếu học của dân tộc.

"Tận dụng thành tựu đã đạt được, khơi dậy tiềm năng có tính động lực, đó phải là cách tiếp cận để khắc phục yếu kém hiện nay.

Đầu tư cho giáo dục, đầu tư cho phát triển nền giáo dục là quốc sách hàng đầu đó là chiến lược có tính triết lí" - GS Đinh Quang Báo nêu quan điểm.

Sách lược hàng đầu, cốt lõi có tính chìa khóa theo bài học của các nước thành công trong phát triển chất lượng giáo dục, theo GS Đinh Quang Báo, là giải quyết vấn đề giáo viên.

Để phát triển đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục có nhiều giải pháp được giải quyết đồng bộ. Nhấn mạnh hãy chọn lấy giải pháp cốt lõi của cốt lõi, theo GS Đinh Quang Báo, đối với Việt Nam hiện nay, các giải pháp tiên quyết như sau:

Thu hút người giỏi vào sư phạm

Giải pháp tiên quyết đầu tiên, theo GS Đinh Quang Báo, đó là thu hút người giỏi, giỏi nhất vào sư phạm để đào tạo thành giáo viên giỏi bằng cách khảo sát, qui hoạch lại số lượng, cơ cấu các loại giáo viên phổ thông để xác định, điều chỉnh cân bằng cung - cầu. Tiếp đó điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm bảo đảm đầu ra có việc làm.

Cân bằng cung - cầu

GS Đinh Quang Báo khẳng định: Khi cân bằng cung cầu được thiết lập thì các trường sư phạm không phải gồng mình chạy theo số lượng, sẽ có điều kiện đổi mới phương thức đào tạo theo tiếp cận gắn đào tạo với thực tiễn tác nghiệp tại nhà trường phổ thông cả trong giai đoạn đào tạo ban đầu, giai đoạn hành nghề ở phổ thông.

Cân bằng cung cầu sẽ có điều kiện đầu tư cao hơn cho việc đào tạo mỗi sinh viên sư phạm.

Nguyên hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội nhấn mạnh: Cần phải quán triệt điều này, nếu không việc giảm chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm lại là thảm họa thiếu kinh phí cho các cơ sở đào tạo giáo viên do suất đầu tư kinh phí trên đầu sinh viên không tăng như hiện nay.

Quy hoạch lại mạng lưới sư phạm

Với giải pháp này, GS Đinh Quang Báo cho rằng, quy hoạch lại mạng lưới sư phạm để xây dựng các cơ sở đào tạo giáo viên với qui mô đảm bảo đào tạo chất lượng cao mọi chuyên ngành, mọi trình độ đào tạo, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học nhờ có đủ số lượng, cơ cấu và chất lượng ngũ giảng viên.

"Sư phạm là máy cái của máy cái, nên nếu có đầu vào tốt, mô hình sư phạm tiên tiến tất yếu sẽ có đầu ra giỏi bổ sung, thay thế, cải tạo đội ngũ giáo viên" - GS Đinh Quang Báo khẳng định.

Quan tâm chế độ đội ngũ

Liên quan đến chế độ với đội ngũ giáo viên, theo GS Đinh Quang Báo, trước hết thu nhập của giáo viên phải đủ sống ở mức trung bình khác trong tương quan xã hội, sao cho họ toàn tâm, toàn ý, toàn sức cho nghề giáo dục.

Trong lúc hạn hẹp về tiền thì cần biết chọn mục đầu tư. Hãy chọn đầu tư vào con người là ưu tiên số 1. Cùng với yếu tố vật chất là tạo môi trường làm việc sao cho giáo viên vừa có động lực tự do sáng tạo, vừa được bồi dưỡng, tự bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp.

Biên chế giáo viên không chỉ và không lấy trọng tâm là số người mà trọng tâm là biên chế về chất lượng nghề nghiệp. Theo cách này sẽ tạo được sự cạnh tranh sàng lọc lành mạnh, khách quan.

Đo, đánh giá chất lượng bằng chuẩn nghề nghiệp và cạnh tranh của giáo viên là cạnh tranh với chuẩn nghề nghiệp. Đó cũng là cách làm cho chuẩn nghề nghiệp đi vào cuộc sống nhà trường, cuộc sống nghề nghiệp của chính từng giáo viên. Sợ chuẩn phải không còn là cảm xúc của mỗi giáo viên nữa.

Trường học phải là môi trường tự do sáng tạo của giáo viên và học sinh

Mỗi đơn vị trường học là một “công trường” thi công trực tiếp nhân cách học sinh theo bản thiết kế của chương trình giáo dục phổ thông, vì vậy phải là một môi trường tự do sáng tạo của giáo viên và học sinh.

Chia sẻ quan điểm này, theo GS Đinh Quang Báo, người quản lí nhà trường phải có năng lực tổ chức hoạt động sáng tạo đó, để qua đó vừa phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên, vừa nâng cao chất lượng giáo dục học sinh.

Như vậy, tất yếu phải có chính sách phát triển đội ngũ cán bộ quản lí trường học. Đây phải coi là một trong 2 giải pháp đòn bẩy tạo đột biến chất lượng giáo dục Việt nam: giáo viên giỏi nhất + cán bộ quản lí trường học giỏi nhất.

"Cán bộ quản lí trường học giỏi nhất phải là giáo viên giỏi nhất có năng lực quản lí chuyên môn giỏi nhất. Giáo viên giỏi nhất phải là người dạy học, giáo dục giỏi nhất, nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng giỏi nhất theo tiếp cận nghiên cứu tác động cải tạo thực tiễn của chính năng lực nghề nghiệp của mình" - GS Đinh Quang Báo cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ