Điều tra thực tế ở Trường THPT Thanh Thủy (Phú Thọ), cô Nguyễn Khoa Hạnh Ly – giáo viên môn Ngữ văn – cho biết: 72% số người được khảo sát cho biết đã hướng học sinh vào việc thảo luận nhóm thường xuyên; 28% thỉnh thoảng áp dụng. Tuy nhiên, hiệu quả của hình thức học tập này chưa mang lại kết quả cao.
Những hạn chế, khó khăn nổi bật trong dạy học nhóm được cô Nguyễn Khoa Hạnh Ly chỉ ra sau đây, để giáo viên từ nhìn nhận rõ khó khăn này có thể khắc phục, giúp tiến hành phương pháp dạy học nhóm tốt hơn.
Thứ nhất, trong quá trình thảo luận nhóm thường có rất nhiều ý kiến khác nhau. Vấn đề khó ở đây là phải thống nhất được các ý kiến đó lại để đi đến kết luận chung cho tình huống đặt ra.
Vì vậy, tình huống đặt ra nếu không rõ ràng dễ dẫn đến các ý kiến lan man, lạc chủ đề và kết quả là không rút ra được kết luận cuối cùng.
Thứ hai, nếu việc tổ chức nhóm không tốt, việc phân công công việc trong nhóm không rõ ràng, cụ thể dễ dẫn đến hiện tượng có một cá nhân hoạt động và phát triển do cá nhân đó đảm nhận nhiều công việc của nhóm như trưởng nhóm, thư kí ghi chép ý kiến của nhóm cũng như báo cáo trước lớp.
Do đó học sinh này thường học tốt và nhanh nhẹn hơn các thành viên khác trong nhóm. Như vậy sẽ dẫn đến sự phát triển đồng đều trong quá trình học tập.
Thứ ba là sự hạn chế về thời gian, trong 45 phút của một tiết học, người giáo viên có nhiệm vụ chuyển tải nhiều nội dung khác nhau của bài học. Nếu thì giờ dành cho việc thảo luận nhiều, giáo viên sẽ không dạy hết bài, nếu thảo luận với thời gian quá ngắn, sẽ không có kết quả như mong muốn.
Đó là chưa kể việc, giáo viên có nhiều vấn đề giao cho nhóm thảo luận nhiều lần trong giờ dạy, vấn đề đem ra thảo luận chỉ còn là hình thức vì không đủ thời gian cần thiết để hoàn thành.
Thứ tư là việc lạm dụng thảo luận. Có tâm lý cho rằng, bất cứ bài nào cũng cần phải có thảo luận nhóm để chứng tỏ là có quan tâm đến đổi mới phương pháp.
Trên thực tế, chỉ những bài mà có phần có tình huống cần thảo luận thì mới nên chia nhóm thảo luận. Còn không thì không nhất thiết phải có thảo luận nhóm.
Cần tránh khuynh hướng hình thức và đề phòng lạm dụng, cho rằng tổ chức hoạt động nhóm là dấu hiệu tiêu biểu nhất của đổi mới phương pháp dạy học và hoạt động nhóm càng nhiều thì chứng tỏ phương pháp dạy học càng đổi mới.
Thứ năm, chưa có cột điểm cho việc thảo luận nhóm. Hiện nay cũng chưa có văn bản nào quy định cho việc đánh giá thảo luận nhóm (hoặc làm việc theo nhóm học tập ở trường và ở nhà).
Đây cũng là một hạn chế không phải nhỏ bởi lẽ nếu có điểm số đánh giá, thì chất lượng thảo luận nhóm chắc là sẽ khác vì nó bắt buộc học sinh phải cố gắng tối đa.