Trong đó nổi bật nhất theo tôi là việc xếp môn thể dục vào nhóm tự chọn 3 để học sinh có thể lựa chọn các nội dung phù hợp trong môn học phù hợp với sở thích, năng khiếu, sở trường của cá nhân, trên cơ sở đó mà phát huy được những năng lực tiềm ẩn ở mỗi học sinh.
Việc gắn kết giữa hoạt động thể dục – thể thao gắn kết với hoạt động trải nghiệm sáng tạo góp phần rất lớn trong việc đạt được mục tiêu của giáo dục thể chất là nhằm giúp học sinh có cuộc sống khoẻ mạnh cả về thể lực và tinh thần, biết thường xuyên tập luyện phù hợp với bản thân.
Đây là điểm cốt lõi khắc phục những hạn chế của chương trình hiện hành là ở một số phân môn (như thể dục nhịp điệu, đá cầu...) học sinh rất ngán ngại. Tôi rất đồng tình với những thay đổi này.
Tuy nhiên để chương trình được triển khai thực sự hiệu quả, với khả năng của mình, tôi xin được phân tích những ưu điểm, những hạn chế và đề xuất như sau.
Thứ nhất, về phía học sinh, việc tự chọn nhóm phân môn khi tham gia học tập giúp các em hứng thú, nâng cao sự tự giác, tích cực trong tập luyện.
Khắc phục được cảm giác một số em bị ép học như một số nội dung trong chương trình hiện hành, biến giờ học thể dục như một cực hình đối với các em.
Ví dụ như nội dung đá cầu ở chương trình thể dục THPT hiện hành, theo tôi có hơn 90% học sinh nữ không thích học. Hay tương tự như thế, các em nam lại ngại môn thể dục nhịp điệu, ngay cả các em nữ cũng chán khi mà điều kiện sử dụng nhạc để thực hiện nội dung rất hạn chế, làm cho việc tập luyện thể dục nhịp điệu không khác giờ học thể dục phát triển chung, rất nhàm chán.
Các môn cơ bản như điền kinh, hay các môn mang tính đối kháng cao như: Cầu lông, bóng chuyền, bóng đá… thì ở mỗi giờ học cũng có một số lượng không nhỏ học sinh không thích. Điều này dẫn đến bộ môn không đạt hiệu quả, không đạt mục tiêu là rèn luyện sức khỏe, thậm chí mang đến tâm lí sợ tập thể dục.
Bên cạnh đó, việc được chọn nội dung theo sở thích làm cho chất lượng tiếp thu kiến thức và vận dụng những kỷ năng, kỷ xảo vận động tốt hơn. Từ đó giúp việc triển khai kiểm tra đánh giá thuận lợi hơn với những kết quả thành tích đạt được ngày càng được nâng cao.
Việc phân luồng theo năng khiếu khi chọn nội dung học cũng giúp cho việc tuyển chọn cho đội tuyển thể thao của nhà trường được dễ dàng hơn.
Những cá nhân nổi bật sẽ được giáo viên bộ môn phụ trách phát hiện ngay từ đầu và huấn luyện theo môn cũng thuận tiện, góp phần nâng cao chất lượng thể thao học đường.
Tuy nhiên, việc cho tự chọn nội dung học có thể dẫn đến tình trạng các em sẽ chọn những nhóm môn không phù hợp cho việc phát triển toàn diện về hình thể và tố chất.
Ví dụ như học sinh chọn nhóm môn thể thao sử dụng chân là chủ yếu thì khó cho việc phát triển đầy đặn hai tay, hay chọn nhóm nội dung rèn luyện tốc độ, sức nhanh thì không giúp phát triển sức bật, sức mạnh, sức bền…
Vì vậy ngoài việc định hướng tư vấn của nhà trường, của tổ chuyên môn thì khi thiết kế nội dung chương trình cụ thể thì cần cho các em được chọn theo nhóm phân môn.
Thứ hai, về phía giáo viên, khi thực hiện giảng dạy sẽ được chuyên sâu hơn, thuận lợi trong việc nghiên cứu nâng cao tay nghề. Nhưng có thể phát sinh tình trạng để đáp ứng nhu cầu chọn lựa của học sinh thì giáo viên phải đảm nhiệm những nội dung không phải sở trường, điều này làm hạn chế hiệu quả giảng dạy.
Đề xuất là cơ quan quản lý giáo dục tăng cường liên kết với ngành thể thao mở các khóa đào tạo chuyên sâu các môn thể thao đồng thời xây dựng nhiều hệ thống tài liệu chuyên môn cung cấp cho giáo viên, giúp giáo viên có điều kiện tốt nghiên cứu phục vụ công tác giảng dạy.
Việc tổ chức lớp học có thể gặp khó khăn khi mà có những nội dung nhiều em học sinh yêu thích nhưng cũng có những môn ít học sinh tham gia.
Việc mời giáo viên thỉnh giảng hay tổ chức gửi học sinh sang học trường lân cận theo tôi là khó khả thi, nhất là những khó khăn về phía học sinh và gia đình các em.
Đề xuất là nhà trường cũng có quyền lựa chọn, quyết định những nội dung cho học sinh chọn lựa ở mức tự chủ nhất định trong điều kiện cho phép.
Thứ ba, để thực hiện chương trình giáo dục thể chất THPT mới, đòi hỏi phải tăng cường đồng bộ về cơ sở vật chất, sân chơi bãi tập. Các trường phải chủ động hơn trong việc trang bị cơ sở vật chất không chỉ từ nguồn cung cấp của cấp trên mà còn tranh thủ các nguồn khác.
Từ đó cơ sở vật chất sẽ được đầy đủ hơn giúp cho việc tham gia tập luyện ngoài giờ của học sinh thường xuyên hơn. Tuy nhiên để có thể duy trì chất lượng các công trình tập luyện thì cần nhiều nguồn lực, nên đề xuất nên có cơ chế thoáng để cơ sở giáo dục khai thác hiệu quả các công trình đồng thời có nguồn thu phục vụ công tác bảo trì bảo dưỡng.
Thứ tư, cần đổi mới công tác kiểm tra đánh giá, đưa công tác kiểm tra đánh đi vào thực chất, theo hướng định lượng hạn chế định tính. Xây dựng bộ chuẩn tiêu chuẩn kiểm tra đánh giá chi tiết, phân thành nhiều mức (tốt – khá – trung bình – yếu).
Chúng tôi đề xuất đưa kết quả kiềm tra thể dục thành như một chứng chỉ (như cách làm trước nay của hệ cao đẳng – đại học), không đưa vào kết quả học lực chung cuối năm. Nhà tuyển dụng lao động sẽ đánh giá năng lực thể chất của học sinh trong quá trình các em đi vào nghề nghiệp.
Thứ năm, cần tăng cường hoạt động thể thao học đường. Chỉ với một HKPĐ với định kỳ 4 năm cấp toàn quốc và 2 năm cấp huyện thị theo chúng là chưa đủ.
Thành phần tham gia thi đấu cũng phải thực chất là những VĐV học sinh nghiệp dư. Từ đó mới kích thích học sinh tham gia tập luyện TDTT.
Trên đây là những phân tích, đề xuất của tôi về chương trình giáo dục thể chất trong chương trình GDPT mới. Một lần nữa tôi khẳng định là rất đồng tình với những đổi mới mà chương trình đưa ra.
Tôi thiết nghĩ, để triển khai hiệu quả đòi hỏi sự đồng thuận của toàn xã hội, nhưng trước hết là sự chung tay, đóng góp trí tuệ của chính bản thân ngành giáo dục chúng ta.
Đối với môn giáo dục thể chất, tôi tin tưởng rằng với những thay đổi như trên, chúng ta sẽ giành được nhiều nhiều thành tựu mới, hoàn thành mục tiêu giáo dục và góp phần thực hiện thắng lợi “đề án tổng thể phát triển tầm vóc, thể lực người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030” của Chính phủ.