Theo tâm lý học, có những dấu hiệu nhận biết ai đó đang lợi dụng lòng tốt của bạn. Khả năng nhận biết những dấu hiệu này sẽ giúp bạn tránh khỏi nhiều nỗi thất vọng và cay đắng trong tương lai.
Kẻ lợi dụng hiếm khi đáp lại
Bản chất của con người là muốn giúp đỡ người khác, đặc biệt là những người chúng ta quan tâm. Nhưng lòng tốt cũng cần có sự cân bằng.
Theo tâm lý học, một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy ai đó đang lợi dụng bạn là họ không mấy khi đáp lại.
Thực tế, bất kỳ mối quan hệ lành mạnh nào đều có sự cho và nhận. Nhưng nếu bạn thấy mình liên tục cho đi trong khi nhận lại rất ít hoặc không nhận được gì, bạn có thể đang phải đối mặt với một người đang lợi dụng lòng tốt của mình.
Có lẽ bạn luôn là người hy sinh hoặc ban ơn, trong khi họ liên tục né tránh việc trả ơn. Hoặc có thể họ luôn có cớ để trốn tránh việc giúp đỡ bạn khi bạn cần.
Họ luôn yêu cầu sự giúp đỡ
Dấu hiệu rõ ràng cho thấy ai đó đang lợi dụng bạn là họ luôn yêu cầu sự giúp đỡ. (Ảnh: ITN). |
Dấu hiệu rõ ràng cho thấy ai đó đang lợi dụng bạn là họ luôn yêu cầu sự giúp đỡ. Isabel Cabrera – một chuyên gia tâm lý tại Hoa Kỳ - chia sẻ: “Tôi có một người bạn tên là Sarah. Sarah luôn nhờ tôi làm việc vặt cho cô ấy, hoặc cho cô ấy vay tiền. Có vẻ như mỗi lần chúng tôi nói chuyện, cô ấy đều cần điều gì đó ở tôi.
Lúc đầu, tôi nghĩ cô ấy chỉ đang trải qua khoảng thời gian khó khăn và cần được hỗ trợ nhiều hơn. Nhưng sau một thời gian, tôi thấy rõ ràng đây là một thói quen chứ không chỉ là sự tình cờ.
Tâm lý học giải thích hành vi này là dấu hiệu của sự bóc lột. Nếu ai đó liên tục đưa ra yêu cầu mà không cân nhắc xem điều đó có thuận tiện hay thậm chí khả thi với bạn hay không, thì có khả năng họ đang lợi dụng lòng tốt của bạn".
Vì vậy, nếu bạn nhận thấy ai đó thường xuyên yêu cầu sự giúp đỡ mà không bao giờ đưa ra bất cứ điều gì đáp lại hoặc bày tỏ lòng biết ơn thực sự, có lẽ đã đến lúc bạn đặt câu hỏi về động cơ của họ.
Họ không tôn trọng ranh giới của bạn
Theo các nhà tâm lý học, những người thường xuyên vượt qua hoặc phớt lờ ranh giới của người khác thường có xu hướng hay tự ái. Thời điểm bạn bắt đầu thiết lập ranh giới với họ, họ sẽ coi đó là một sự xúc phạm.
Ranh giới rất quan trọng trong bất kỳ mối quan hệ nào. Nó đảm bảo mọi người tham gia đều cảm thấy an toàn, được tôn trọng và có giá trị. Nhưng khi ai đó lợi dụng bạn, ranh giới của bạn thường trở nên mờ nhạt hoặc thậm chí bị bỏ qua hoàn toàn.
Ví dụ, họ có thể liên tục thúc ép bạn làm những việc mà bạn không thấy thoải mái hoặc xem nhẹ thời gian của bạn bằng cách khuyến khích bạn từ bỏ kế hoạch nào đó vì họ.
Khiến bạn cảm thấy tội lỗi
Cảm giác tội lỗi là một thứ cảm xúc mạnh mẽ và nó có thể được sử dụng như một công cụ để thao túng và lợi dụng.
Nếu ai đó liên tục khiến bạn cảm thấy tội lỗi vì không đáp ứng được nhu cầu hoặc mong đợi của họ thì đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy họ đang lợi dụng bạn.
Họ có thể sử dụng những câu như “Sau tất cả những gì tôi đã làm cho bạn…” hoặc “Bạn đang làm tôi thất vọng…” để khiến bạn cảm thấy có nghĩa vụ phải đáp ứng họ.
Tâm lý học giải thích, đây là một hình thức thao túng cảm xúc. Người đó lợi dụng cảm xúc của bạn nhằm đạt được điều họ muốn mà không màng đến việc bạn đang khổ sở như thế nào.
Tốt nhất, bạn không bao giờ nên cảm thấy tội lỗi khi ưu tiên các nhu cầu của bản thân và đặt ra những ranh giới lành mạnh. Nếu ai đó khiến bạn cảm thấy như vậy thì đã đến lúc bạn cần đánh giá lại mối quan hệ đó.
Thường xuyên đóng vai nạn nhân
Họ luôn thể hiện mình là nạn nhân, bất kể tình huống nào. (Ảnh: ITN). |
Bạn đã bao giờ nhận thấy ai đó quanh mình dường như luôn là trung tâm của bi kịch hay bất hạnh chưa? Kẻ lợi dụng luôn thể hiện mình là nạn nhân, bất kể tình huống nào.
Đây là một chiến thuật phổ biến được sử dụng bởi những người quen thói lợi dụng. Bằng cách tự coi mình là nạn nhân, họ có thể biện minh cho hành động của mình và khiến bạn cảm thông với họ. Sự thông cảm này sau đó sẽ được tận dụng để bạn làm những gì họ muốn.
Tâm lý học gọi hành vi này là “đóng vai nạn nhân”. Đó là một chiến lược lôi kéo nhằm mục đích thu hút lòng thương hại và lòng trắc ẩn để kiểm soát người khác.
Khi bạn nhận thấy hiện tượng này luôn lặp lại ở ai đó, hãy lùi lại một bước. Các mối quan hệ lành mạnh luôn có sự trung thực và tôn trọng lẫn nhau, không phải là sự cảm thông đơn phương. Đừng để bất cứ ai sử dụng nỗi đau của họ để khai thác quá mức lòng tốt của bạn.