5 dấu hiệu bạn đang bị kiểm soát trong hôn nhân

GD&TĐ - Ranh giới giữa sự "quan tâm" và "kiểm soát" trong hôn nhân thực sự mong manh. Có trường hợp người ngoài xuýt xoa vợ/chồng này “số sướng” được đối phương chăm chút kỹ lưỡng, nhưng họ lại khó chịu bởi cách sống đó.

5 dấu hiệu bạn đang bị kiểm soát trong hôn nhân
Nhiều người vẫn đang nhầm lẫn hai khái niệm trên, luôn cho rằng bản thân đang quan tâm người bạn đời nhưng thật ra chính là kiểm soát, giam cầm họ.
Bài viết dưới đây của chuyên gia tâm lý Tuệ An sẽ giúp bạn xác định chính xác dấu hiệu chứng tỏ bạn đang bị kiểm soát chứ không phải được quan tâm:
1. Bạn luôn là người phải nhường nhịn, thỏa hiệp trước
Nếu sau một cuộc tranh cãi người phải xin lỗi, nhường nhịn, thỏa hiệp luôn luôn là bạn thì đây chính là dấu hiệu bạn bị kiểm soát. Người ấy bỏ qua những cảm xúc và suy nghĩ của bạn mà đưa ra các yêu cầu cũng như tạo áp lực bắt bạn phải tuân theo vô điều kiện.
2. Cùng đặt ra quy tắc nhưng chỉ bạn phải tuân theo
Cả hai cùng đặt ra các nguyên tắc và quy chiếu vậy nhưng đến khi thực hiện chỉ một mình bạn phải tuân theo còn họ có quyền phá vỡ. Đây là dấu hiệu chứng tỏ bạn đang bị người ấy kiểm soát vì họ đã tự trao cho họ quyền lợi mà bạn không có.
3. Bạn luôn cảm thấy áp lực và ngột ngạt
Bạn đời là người thân thiết nhất trên cuộc đời này, nhưng khi ở cạnh họ mà bạn luôn phải thận trọng trong từng câu nói, việc làm chứng tỏ bạn không thoải mái và không được làm những điều mình thật sự muốn. Vì trong thế giới của người thích kiểm soát chỉ có họ là đúng, họ là nhất còn mọi người đều là sai trái.
4. Đối phương yêu cầu bạn làm điều bạn không thích vì "nó tốt cho bạn"
Mới nghe thì có vẻ phi lý nhưng sự thật là vậy. Người bạn đời ép buộc bạn phải làm những điều bạn không thích, phải ở nơi bạn không thoải mái nhưng lại lấy lý do là vì lợi ích của bạn. Thật ra đó không phải biểu hiện của sự quan tâm mà chính là sự kiểm soát.
5. Đối phương kiểm soát, trói buộc các mối quan hệ xung quanh của bạn
Để có được quyền kiểm soát bạn rộng hơn, đối phương không chỉ kiểm soát bạn mà còn cố gắng cách ly bạn với những mối quan hệ xung quanh như bố mẹ, bạn bè, đồng nghiệp…
Làm như vậy, họ sẽ cảm thấy an tâm hơn vì bạn sẽ khó mà rời bỏ họ đi, khi ấy đối phương trở thành “duy nhất”, “tất cả” của bạn, bạn buộc phải gắn bó thật chặt chẽ với họ, bị họ trói buộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ