Nhiều người thường nghĩ rằng, tình trạng ô nhiễm không khí chỉ xảy ra ở đường phố hay các khu công nghiệp mà không biết rằng không gian trong chính ngôi nhà mình đang sống cũng có thể bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Các nghiên cứu đã chỉ ra ô nhiễm không khí trong nhà cũng nguy hiểm tương tự, vì chúng ta hiện dành phần lớn thời gian ở trong nhà. Do đó, bạn cũng sẽ hít thở bất kỳ chất ô nhiễm nào trong không khí tồn tại trong nhà hoặc văn phòng của bạn.
Để giảm thiểu tình trạng này, Womansweekly đã tìm các giải pháp lọc không khí trong nhà bằng những cách đơn giản sau:
Mở cửa sổ mỗi ngày
Điều đơn giản nhất bạn có thể làm để cải thiện chất lượng không khí trong nhà là giữ cho nó luôn thông thoáng, đặc biệt là khi nấu nướng và dọn dẹp. Chỉ cần mở cửa sổ trong 10 phút mỗi lần sẽ cho phép không khí trong lành lưu thông khắp ngôi nhà.
Trồng cây xanh
Chuyên gia môi trường Tijana Blanusa cho biết: “Có nghiên cứu chứng minh rằng cây trồng trong nhà có thể loại bỏ một số hợp chất độc hại".
Bạn có thể trồng ở ban công, đặt ở phòng khách hoặc tô điểm cho bàn làm việc bằng một chậu cây bé xinh.
Một vài loại cây lọc không khí trong nhà được gợi ý: Dây thường xuân, Hoa cúc (Daisy), Hoa chi cúc, Cây cọ kiểng,... Chúng không chỉ có tác dụng độc tố tồn tại trong không khí, giải phóng oxy vào ban đêm cho bạn giấc ngủ ngon,... mà còn là cách mang thêm sinh khí vào nhà.
Sử dụng nến sáp
Trong không khí có rất nhiều bụi, bụi mịn và cả các hóa chất khác mà chúng ta không thể thấy bằng mắt thường. Tuy nhiên, tin tốt là bạn có thể dùng nến sáp ong (tránh dùng nến chứa paraffin có nguồn gốc từ dầu mỏ) để trung hòa các hợp chất độc hại này.
Ưu điểm của nến sáp ong nguyên chất là không mùi và gần như không có khói, điều này sẽ phù hợp cho cả những gia đình có thành viên dễ dị ứng mũi.
Nếu bạn thích một ngọn lửa bập bùng có hương thơm, hãy chọn nến đậu nành. Mùi thơm dễ chịu, lan toả giúp giảm stress, không gian sống trở nên thư thái, dễ ngủ.
Dùng máy lọc không khí
Máy lọc không khí có thể là một giải pháp tốn kém chi phí tuy nhiên so với kết quả có thể lọc được các hạt có hại trong không khí bao gồm có bụi, bụi mịn, mạt bụi,... đây là một khoản đầu tư hoàn toàn xứng đáng.
Trung bình các máy lọc không khí sẽ có giá dao động từ 1 đến 10 triệu đồng, cao cấp hơn tầm 20-25 triệu đồng. Bạn có thể tìm hiểu và chọn lựa máy lọc phù hợp đặt trong nhà để thanh lọc không gian sống, giảm tối đa rủi ro gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp của bạn và người thân.
Hạn chế các sản phẩm tẩy rửa bằng hóa chất
Chất tẩy rửa gia dụng mạnh có thể là một nguồn nguy hiểm của VOC gây hại cho sức khỏe. Nhiều loại nước tẩy có chứa các thành phần gây kích ứng cao cho cả da và hệ hô hấp.
Trong thành phần của nhiều dung dịch tẩy trắng có chứa chlorin, chất có nguy cơ tạo ra khí clo. Đây là một loại khí cực kỳ có hại, thậm chí có nguy cơ gây tử vong nếu hít phải quá nhiều.
Các chuyên gia khuyên bạn nên sử dụng các sản phẩm làm sạch dạng rắn hoặc có thể rót được hơn là dạng xịt, điều này hạn chế việc lan tỏa các hạt dung dịch nhỏ li ti vào không khí. Hoặc loại bỏ hoàn toàn các chất tẩy rửa bằng hóa chất.