5 bước chuẩn bị tinh thần cho con đi học lại sau kì nghỉ Tết

Sau kì nghỉ Tết dài ngày các em bé, đặc biệt là bé nhỏ dưới 4 tuổi sẽ cảm thấy rất khó khăn khi phải đi học trở lại và quay về với nhịp sinh hoạt thường ngày.

Việc bé khóc và cảm thấy khó chịu khi phải đi học trở lại sau kì nghỉ lễ dài ngày là điều hoàn toàn bình thường, bố mẹ hãy an ủi bé và giúp bé thích nghi dần dần. (Ảnh minh họa)
Việc bé khóc và cảm thấy khó chịu khi phải đi học trở lại sau kì nghỉ lễ dài ngày là điều hoàn toàn bình thường, bố mẹ hãy an ủi bé và giúp bé thích nghi dần dần. (Ảnh minh họa)
Biểu hiện thường gặp của các bé khi phải quay trở lại nhịp sinh hoạt bình thường là tỏ ra chống đối hay ăn vạ bởi vì chưa được chuẩn bị đầy đủ tâm lý khi quay trở về nếp sinh hoạt cũ. Sau đây là một vài gợi ý giúp bố mẹ đưa các bé vào lại khuôn khổ dễ dàng hơn. 1. Chỉnh dần dần giờ giấc sinh hoạt

Những ngày nghỉ ở nhà với bao nhiêu lo toan cho ngày Tết khiến cha mẹ nhất thời lơ là giờ giấc sinh hoạt của con mình. Đặc biệt vào những ngày giáp Tết và đầu năm mới thì bé thường được ngủ muộn hơn và dậy muộn hơn, giờ ăn cũng thất thường hơn vì lúc nào cũng có rất nhiều thức ăn vây quanh.

Tuy việc để con thoải mái trong sinh hoạt những ngày Tết là điều dễ hiểu, nhưng hệ quả của nó gây ra thì thật rắc rối. Cách tốt nhất là vào khoảng 3-4 ngày trước khi bé đi học hay trở về nhịp sinh hoạt cũ bạn hãy điều chỉnh thời gian của con bạn cho gần về với thời gian biểu cũ, mỗi ngày chỉ cần điều chỉnh 10-15 phút là được.

Buổi tối trước ngày nghỉ cuối cùng hãy cùng con đặt đồng hồ báo thức và giao hẹn thời gian thức cùng với con. Để cho bé khỏi bất ngờ trước việc thời gian biểu bị thay đổi liên tục, hãy luôn chuẩn bị tinh thần trước cho bé, giao hẹn khoảng thời gian mà nhịp sinh học bị thay đổi. Bạn có thể làm một chiếc đồng hồ đếm ngược bằng giấy hoặc một cuốn sổ đếm ngược để cho bé biết rằng còn bao nhiêu ngày nữa thì bé cần đi học trở lại và quay về nếp sinh hoạt cũ. Bạn đã có thể áp dụng điều này từ khi bé được 2,5 tuổi.

2. Những câu chuyện trước khi đi ngủ

Thời gian tâm sự trước khi đi ngủ rất quan trọng đối với cha mẹ và trẻ, đó là thời gian cha mẹ và bé cũng nhìn lại một ngày đã qua, những gì bé làm tốt và những gì vẫn còn khiến cha mẹ phiền lòng, đó cũng là thời gian nói lên tâm tư nguyện vọng của bé với cha mẹ, cha mẹ nói về dự định ngày hôm sau với bé và nhiều chuyện quan trọng khác.

Trước khi đi ngủ, bé không bị các hoạt động khác làm phân tâm khiến cho việc suy ngẫm và ghi nhớ được dễ dàng hơn. Do đó, bạn hãy tận dùng khoảng thời gian chuẩn bị đi ngủ là lúc nhắc nhở bé về việc ngày nghỉ sắp hết, bé cần chuẩn bị đến trường, gặp lại thầy cô, bạn bè và quay lại nếp sinh hoạt cũ. Hãy cùng bé ôn lại những hoạt động ở trường, tên cô giáo và các bạn hoặc những kỉ niệm đáng nhé của bé khi đi học...

Hãy cho thấy sự háo hức của bạn khi nghe bé kể và cho bé biết rằng việc được đi học lại sẽ vui như thế nào và cùng bé thử đoán xem khi đi học thì bé sẽ được học bài gì hoặc điều gì thú vị đang chờ đón bé.

3. Một ngày trước khi kì nghỉ kết thúc

Hãy cùng bé sửa soạn đồ dùng để cho vào ba lô cho buổi học ngày mai, cùng bé chuẩn bị bao lì xì để bé đến chúc Tết cô giáo và các bạn, hãy dạy bé các lời chúc để chúc mừng đầu năm.

Bạn hãy thể hiện tâm trạng háo hức và vui vẻ mỗi khi nhắc đến chuyện đi học với bé. Đừng bao giờ nói những điều ví dụ như "Mai con phải đi học rồi" hay là "Không được nghỉ nữa rồi, mai lại phải đi học rồi" thay vào đó, hãy nói rằng "Ôi vậy là sắp được đi học lại rồi, sắp được gặp lại cô và các bạn rồi " hay " Ở nhà chán rồi, mai được đi học rồi, vui quá". Có thể tỏ ra ghen tị với bé một chút vì bé được đi học và gặp bao nhiêu bạn, chơi rất nhiều trò chơi để bé cảm thấy đi học thật vui vẻ, thoải mái.

Trước khi đi ngủ, bạn hãy tiếp tục báo trước với bé về thời gian biểu của ngày mai, bé dậy khi nào, dậy xong làm gì, bao giờ đi học, bao giờ được đón. Bạn có thể sử dụng phần thưởng nho nhỏ như nếu ngày mai bé đi học ngoan, vui vẻ thì bé sẽ được một món quà nhỏ gì đó hoặc được thưởng một ngôi sao vào bảng thành tích của bé. Tuyệt đối không dùng từ “khóc” với bé.

Hãy cho bé đi ngủ sớm hơn bình thường, nếu bé vẫn muốn chơi tiếp, kiên quyết yêu cầu bé đi ngủ.

4. Buổi sáng ngày đầu tiên đi học lại

Cho bé dậy sớm hơn bình thường, để bé có đủ thời gian để chuẩn bị tâm lý. Hãy gọi bé dậy và chào đón ngày mới cùng bé với tâm trạng tích cực, vui vẻ. Nếu bé là người nhạy cảm, bạn hãy hứa với bé hôm nay sẽ đến đón bé sớm và thông báo mốc thời gian cụ thể, ví dụ như "Sau khi con uống sữa xong mẹ sẽ đến đón con" hoặc " Sau khi con ăn chiều xong mẹ sẽ đến đón con".

Trên đường đi học hãy cùng bé ôn lại những lời chúc và nói chuyện vui vẻ về dự định của bé khi gặp lại cô và các bạn. Khi đến lớp hãy vui vẻ chào tạm biệt bé.

5. Dành thời gian chất lượng cho con

Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là trong thời gian con nghỉ tết, hãy luôn dành thời gian chất lượng ở bên cạnh con để con không cảm thấy dù nghỉ dài ngày nhưng vẫn bị thiếu thốn thời gian bên cha mẹ, như thế con mới có thể cảm thấy thoải mái khi hòa nhập lại với nhịp sinh hoạt cũ.
Theo afamily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.