Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư vú là dạng ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ, ảnh hưởng đến 2,1 triệu phụ nữ trên toàn thế giới hàng năm.
Mặc dù có một số yếu tố rủi ro mà bạn không thể thay đổi, chẳng hạn như tiền sử gia đình bị ung thư vú, nhưng bạn có thể giảm nguy cơ bằng một lối sống lành mạnh.
Tuy không có chế độ ăn uống cụ thể để ngăn ngừa ung thư vú, nhưng lựa chọn thực phẩm khôn ngoan có thể giúp giảm bớt cơ hội phát triển căn bệnh này.
Ăn thực phẩm từ thực vật thường xuyên hơn
Để bắt đầu, hãy kết hợp nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật trong chế độ ăn uống của bạn. Tờ South China Morning Post dẫn các báo cáo của Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới cho thấy ăn thực phẩm có nguồn gốc thực vật, có chứa chất xơ, có thể bảo vệ chống lại một số loại ung thư, kiểm soát cân nặng và giảm nguy cơ thừa cân.
Thực phẩm có nguồn gốc thực vật bao gồm ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, lúa mạch, kiều mạch, gạo nâu, diêm mạch, mì ống làm từ ngũ cốc nguyên hạt; các loại đậu, các loại hạt, rau xanh và trái cây.
Giảm ăn thịt
Mặc dù thịt là nguồn cung cấp protein, sắt, vitamin B12 và kẽm tuyệt vời, song cần cân nhắc việc lựa chọn giữa protein động vật và protein thực vật để kiểm soát cân nặng.
Nếu bạn không phải là người ăn chay nhưng sẵn sàng thay đổi chế độ ăn uống, bạn có thể chọn không ăn thịt để tăng lượng chất xơ trong khi vẫn duy trì mức tiêu thụ protein tương đương.
Bạn có thể thử ăn một bữa ăn có nguồn gốc thực vật cho một ngày trong tuần và dần dần hướng tới việc ăn các bữa ăn chay cho cả ngày. Một khi bạn cảm thấy thoải mái với ngày không thịt của mình, bạn có thể thử thách bản thân bằng cách có nhiều ngày không thịt hơn.
Chế độ ăn ít chất béo
Ngoài việc ăn thực phẩm có nguồn gốc thực vật thường xuyên hơn, một nghiên cứu ngẫu nhiên về Dinh dưỡng cho Phụ nữ đã chỉ ra rằng chế độ ăn ít chất béo, với 20% tổng lượng calo đến từ chất béo, cũng có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú tái phát.
Chọn thực phẩm có nguồn gốc thực vật và thịt nạc thường xuyên hơn là một cách để giảm chất béo trong chế độ ăn uống. Những thực phẩm này không chỉ có lượng calo thấp hơn, mà còn có ít chất béo bão hòa.
Nên ăn thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật. Ảnh: SCMP.
Chọn chất béo lành mạnh
Chất béo được tìm thấy trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật như bơ, các loại hạt và hạt, dầu ô liu, dầu hạt lanh, dầu óc chó và dầu hạt cây gai dầu được ưa thích hơn chất béo bão hòa từ các nguồn động vật, chẳng hạn như những chất có trong thịt đỏ.
Lượng chất béo bạn ăn mỗi ngày nên không quá 9 đến 11 muỗng cà phê (45 đến 55 ml). Các loại chất béo này đến từ bơ, bơ thực vật, dầu, salad trộn và chất béo tự nhiên có trong thực phẩm như thịt, các loại hạt, hạt và các sản phẩm từ sữa.
Giảm lượng đường bổ sung
Mặc dù cơ thể bạn thường không thể sống mà không có glucose, chúng ta có thể chọn các dạng carbohydrate lành mạnh hơn trong chế độ ăn uống.
Giảm và loại bỏ thực phẩm có thêm đường, chẳng hạn như đồ uống có đường, đồ nướng, bánh ngọt và bánh kẹo sẽ là một khởi đầu. Chúng không cung cấp gì ngoài lượng calo rỗng với lợi ích dinh dưỡng tối thiểu.
Thay vào đó, cung cấp năng lượng cho cơ thể thường xuyên hơn bằng các thực phẩm chứa đường tự nhiên rất giàu chất dinh dưỡng có lợi, chẳng hạn như những chất có trong ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và một số loại rau như khoai lang và khoai mỡ.
Tránh uống rượu
Uống rượu có liên quan đến phát triển ung thư vú, theo một bài báo tại Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, vì nó có thể làm tăng nồng độ estrogen của cơ thể và làm giảm số lượng vitamin, như vitamin A, vitamin C và folate - các chất bảo vệ chống lại tổn thương tế bào.
Hiệp hội Ung thư Mỹ cho biết, những phụ nữ uống một ly rượu mỗi ngày có nguy cơ cao hơn 7 đến 10% so với những người không uống rượu, trong khi những người uống từ 2 đến 3 ly có nguy cơ cao hơn 20%.
Nếu bạn muốn ngăn ngừa ung thư vú, tốt nhất nên kiêng rượu.