Đây là tín hiệu rất đáng mừng không chỉ của ngành giáo dục mà của các cấp chính quyền Nghệ An. Tuy nhiên, trường Tiểu học Quang Sơn cũng lại đang đối mặt với không ít khó khăn.
Học sinh thích đi học hơn ở nhà
Thầy Nguyễn Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Quang Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) - cho biết: “Sau 1 tuần đi học, các em học sinh làng Văn Hà hòa nhập rất tốt với trường lớp và bạn bè”.
Trước đó, hơn 49 em học sinh ở làng Văn Hà bị phụ huynh cho ở nhà, để con em thất học nhằm phản đối việc sáp nhập điểm trường ở làng Văn Hà vào điểm chính Trường Tiểu học Quang Sơn (cách đó khoảng 2km).
Sau nhiều nỗ lực của chính quyền địa phương và ngành Giáo dục, đặc biệt sau cuộc đối thoại trực tiếp với Bí thư tỉnh ủy Nghệ An - ông Hồ Đức Phớc, các phụ huynh đã cho con em mình đến trường trở lại, sau hơn 1 năm nghỉ học.
Hiện tại, số lượng học sinh các lớp 1, 2 , 3 của làng Văn Hà là 85 em, trong đó có 2 em học sinh làng Văn Hà trước đó học tại trường Tiểu học Nhân Sơn và Trường tiểu học Thượng Sơn cũng đã quay về trường Tiểu học Quang Sơn nhập học.
Theo thầy Sơn, các em đi học chậm hơn so với các bạn gần 1 tháng, đó là sự thiệt thòi lớn. Trước hết, nhà trường sẽ phân công các thầy cô giáo thống kê xem các em chậm bao nhiêu tiết học, khảo sát tình hình thực tế kiến thức của các em. Sau đó, lập kế hoạch để bù kiến thức cho các em...
"Việc phụ đạo kiến thức cho các em sẽ tiến hành bằng nhiều hình thức. Lịch dạy thêm cố định sẽ vào chiều thứ 4 và ngày thứ 7, bắt đầu từ tuần này.
Ngoài ra, các thầy cô giáo sẽ tách riêng các em chậm học dạy thêm vào cuối giờ; nhờ các bạn học tốt kèm cặp, dạy giúp các bạn yếu hơn vào giờ ra chơi…
Dựa theo hướng dẫn của cấp trên, cũng như sự quan tâm, ủng hộ nhất trí của các thầy cô giáo trong trường, dự kiến đến ngày 3/11, các nhà trường sẽ bù kịp kiến thức cho các em học sinh muộn học." Thầy Sơn chia sẻ.
Hiện nay, nhà trường cũng đã triển khai thực hiện bán trú cho học sinh. Số lượng các em đăng ký ăn trưa bán trú khá ổn định, những ngày đầu khoảng 35 - 50 em, nhưng số lượng ngày một tăng, có ngày cao điểm là 110 em ở lại ăn trưa. Các em học sinh rất phấn khởi và bày tỏ “thích đi học hơn ở nhà”.
Anh Nguyễn Đình Hùng (SN 1974, trú tại xóm 9, xã Quang Sơn) có con gái năm nay 7 tuổi, hiện đã vào học lớp 1 cho biết: “Trước kia gia đình cho cháu nghỉ học, nhưng hiện nay, nhà trường và chính quyền địa phương có nhiều chính sách hỗ trợ cho con em làng Văn Hà, hơn nữa cháu nghỉ học 1 năm rồi cũng sốt ruột lắm, nên tôi quyết định phải cho cháu đi học lại.
Lúc cháu còn nghỉ học ở nhà, tôi cũng mày mò mang sách ra dạy để nhưng chẳng được bao nhiêu. Bây giờ được đến trường cháu rất vui, tiếp thu nhanh. Nhiều cái trước kia tôi bày cho cháu mãi không được, nhưng thầy cô dạy cháu hiểu ngay”.
Nhà trường nặng gánh lo
Trong quá trình vận động, tuyên truyền để các phụ huynh làng Văn Hà, Quang Sơn, Đô Lương cho con em mình đi học trở lại, các cấp chính quyền trong tỉnh Nghệ An đã đề ra các biện pháp hỗ trợ như: Cải tạo đoạn đường từ điểm trường lẻ làng Văn Hà đến trường chính Tiểu học Quang Sơn; vận động doanh nghiệp tặng xe đạp cho học sinh khó khăn cùng chiếc cặp gắn phao; miễn tiền ăn bán trú (bữa trưa) trong 2 năm; xem xét miễn các khoản đóng góp…
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Sơn, hiện nhà trường chưa nhận được bất kỳ văn bản chính thức nào từ cấp trên. Mọi công tác tổ chức dạy, tổ chức bán trú cho học sinh, sửa sang cơ sở vật chất nhà trường đang trích ngân sách ra “gánh”. Nhưng ngân sách của nhà trường cũng rất hạn hẹp, không đủ để chi trả nếu không có sự hỗ trợ của các ngành, các cấp.
Tổ chức công tác bán trú cho học sinh, một mặt nhà trường phải thu hồi lại phòng dạy nhạc, dạy Mỹ thuật để làm phòng ăn, phòng ngủ cho các em, lấy phòng Đội làm bếp.
Mặt khác, trường tự bỏ chi phí ra thuê người nấu ăn, mua sắm vật dụng, chuẩn bị nhà ăn, và mua thực phẩm… Trường cũng không có nguồn để chi trả cho giáo viên bồi dưỡng, phụ đạo học sinh chậm học. Theo đúng luật, nếu là ngày nghỉ thì giáo viên phải được nghỉ, nếu làm ngoài giờ, thì phải trả công theo mức làm thêm, tăng ca.
Thầy Sơn chia sẻ: Nhà trường đang có rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, với lương tâm và trách nhiệm của những người làm thầy, làm cô, quan điểm của nhà trường vẫn là cố gắng hết mình vào cuộc vì các em học sinh.
Trao đổi với ông Lê Văn Vĩnh - Chủ tịch UBND xã Quang Sơn (Đô Lương), ông cho biết: Xã cũng như trường chưa nhận được bất kỳ văn bản chính thức nào của cấp trên về việc hỗ trợ kinh phí thực hiện các biện pháp hỗ trợ các em học sinh làng Văn Hà trở lại đi học.
Ngày 13/10, UBND huyện Đô Lương cũng đã lập đoàn kiểm tra và tìm hiểu tình hình thực tế tại trường Tiểu học Quang Sơn, đề nghị trường và địa phương tạm ứng trước ngân sách để lo cho các em học sinh.
Về mặt chủ trương sáp nhập điểm trường lẻ vào trường chính tiểu học Quang Sơn là đúng quy trình.
Hiện nay việc tổ chức dạy và học là trách nhiệm của trường, còn để duy trì tính bền vững của mô hình bán trú là trách nhiệm của Phòng GD&ĐT và chính quyền huyện Đô Lương, vì trên nguyên tắc cấp huyện quản lý bậc tiểu học.
Địa phương có thể huy động kinh phí bằng nguồn xã hội hóa, kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm hoặc từ ngân sách huyện.
Qua sự việc này, cũng là bài học kinh nghiệm cho các huyện trong việc thực hiện chủ trương của tỉnh. Đó là phải làm tốt công tác dân vận, chuẩn bị tốt nhân lực, vật lực trước khi tiến hành sáp nhập trường, để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Ông Nguyễn Trọng Hoàn - Người phát ngôn Sở GD&ĐT Nghệ An