Năm 1975, ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trong đội ngũ chiến sĩ trở về từ chiến trường để tiếp tục học tiếp chương trình đại học có anh lính trẻ Nguyễn Trung Ngọc quê ở Hà Tĩnh… Là SV khoa Ngữ văn của Trường ĐH Sư phạm Vinh, đối với anh không chỉ là vinh dự mà còn là một may mắn lớn cho cuộc đời của mình vì có không ít đồng đội đã phải nằm lại chiến trường để đánh đổi lấy độc lập tự do cho cả dân tộc.
Trong lớp 16DK2 của Trường ĐH Sư phạm Vinh, vào những năm cuối thời SV, tình yêu đã đến với chàng trai từ bao giờ không rõ. Đối tượng không phải ai xa lạ mà là cô nữ sinh viên Phan Thị Nga, bạn học chung một lớp và đôi khi ngồi học cùng bàn, cùng ghế mấy năm trước đó.
Ngay từ khi mới vào trường, Phan Thị Nga được bạn bè đánh giá là hoa khôi của lớp với vẻ đẹp dịu dàng và phúc hậu. Cô nàng còn được nhiều người trong khoa biết đến vì lực học nổi trội, nhất là phân môn Văn học Trung Quốc, Văn học phương Tây. Nga luôn có mặt trong các chương trình ngoại khóa, hội thảo, tập giảng…do khoa tổ chức.
Mẹ quê Thanh Hóa, ba người Quảng Ngãi ra Bắc tập kết nên mong ước của Nga là đất nước mau thống nhất để được trở về thăm quê nội trong niềm vui đoàn tụ. Năm 1975, ước mơ trở thành cô giáo trở về quê sau khi chiến tranh chấm dứt đã được toại nguyện, Phan Thị Nga trở thành SV của một trường đại học lớn nhất khu vực miền Trung lúc bấy giờ.
Nhắc đến chuyện tình yêu thuở ấy của hai người, ông Ngọc còn nhớ không biết bao nhiêu chuyện vui mà đến nay vẫn chưa nói ra hết. Những câu thơ ông viết ra lúc đó như nói hộ lòng mình tình yêu trong sáng với một cô gái chịu nhiều thiệt thòi, vất vả: “Và chân lí cuộc đời em vẫn là em/ Khi trong mình in rõ bóng hình thêm/ Anh muốn ôm em hóa mình vào đó/ Để được thay em gánh phần gian khổ/ Tuổi thơ em vất vả quá nhiều rồi!/ Anh đón em về lộng lẫy tuổi hai mươi…”.
Tình yêu đã đủ chín và không muốn đem lại những phiền toái cho nhau (vì yêu đương trong trường học lúc bấy giờ là chuyện dễ bị đồn thổi, phê phán), họ quyết định tổ chức đăng ký kết hôn và làm đám cưới ngay trong dịp hè năm thứ 3 đại học. Đó là năm 1978. Có lẽ đây là một đám cưới hiếm hoi và đặc biệt thời bấy giờ vì cả hai đều là SV chưa có một cuộc sống ổn định và tương lai phía trước cũng chưa biết như thế nào…
Tuy chưa đến ngày tốt nghiệp ra trường nhưng tên của hai người đã có trong danh sách số ít SV được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy vì kết quả học tập trong 4 năm đều tốt. Thế rồi tất cả mọi việc đổi thay khi người vợ có quyết định về dạy tại Trường THPT Hương Sơn, Hà Tĩnh do… đang mang bầu. Đây thật sự là một thử thách đầu tiên trong cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ vì biết bao khó khăn đang chờ đón ở phía trước. Nhưng rồi niềm vui khi đứa con gái đầu lòng ra đời đã xua tan hết mọi vất vả của họ và sau đó họ có thêm sự tiếp sức của ông bà nội ở ngay quê nhà.
Năm nay (2018), nhân mừng ngày sinh lần thứ 37 của con trai Nguyễn Trung Dũng - phóng viên Đài Phát thanh - truyền hình Nghệ An, ông Ngọc chia sẻ bằng những ký ức: “Mới đó mà đã 37 năm bố mẹ sinh con. Ngày này 37 năm về trước con đã ra đời khi bố còn đi học xa, mẹ một mình lo cho hai chị em trong sự thiếu thốn, đói nghèo mà ngày nay có thể các con không sao hình dung hết.
Để nuôi các con lớn lên, bố mẹ đã phải chìm trong nỗi khổ cực không sao kể xiết. Bố chỉ nhắc lại một chuyện nhỏ này thôi: Chưa bằng tuổi con bây giờ, tiếng là “giáo sư” đại học nhưng bố đã phải nhờ đồng nghiệp đứng lớp thay, bươn bả khắp nơi, điều khiển một tốp thợ trong nhà sản xuất đồ gỗ là nghề truyền thống của quê mình ở Hương Sơn, mong kiếm đủ tiền để duy trì được sự sống cho cả một gia đình lớn gồm ông bà ở quê ra, hai con thì đang còn nhỏ. Thật lòng, không có nghị lực của một cựu chiến binh - sinh viên, của thế hệ bố mẹ, chưa chắc bố mẹ đã vượt qua được những năm tháng ấy để nuôi các con khôn lớn, trưởng thành”.
Không chỉ tự hào về cậu con trai, ông bà còn tự hào về cô con gái lớn là TS Nguyễn Ngọc Hà - giảng viên khoa Ngữ văn Trường ĐH Vinh, tiếp tục nối nghiệp bố mẹ bằng chính năng lực của mình.
Sự trưởng thành của con cháu mà vợ chồng nhà giáo Nguyễn Trung Ngọc và Phan Thị Nga có được sau 40 năm cùng nhau vượt qua gian khó đã được ra hoa kết trái như một mùa vàng bội thu về tri thức và nhân cách sống.