'4 tại chỗ' mùa mưa lũ giữ an toàn cho thầy và trò

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhiều trường học tại các tỉnh miền Trung đã lên phương án chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn cho thầy và trò.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Ka (xã Trà Ka, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam).
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Ka (xã Trà Ka, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam).

Hơn 4 nghìn học sinh nghỉ học

Ông Phan Quốc Thanh - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết, mưa lớn trong 2 ngày 25 - 26/9 khiến nhiều tuyến đường giao thông bị ngập cục bộ tại các xã như: Hương Đô, Hương Lâm, Hương Trạch, Lộc Yên... Giao thông ách tắc khiến 4.317 học sinh thuộc khối mầm non, tiểu học và THCS của huyện phải nghỉ học.

Trường Mầm non Hương Liên có 2 điểm trường, trong đó, điểm lẻ tại bản Rào Tre với hơn 17 học sinh dân tộc Chứt trong ngày 26/9 phải nghỉ học. Mưa lớn ngập trắng cầu tràn - con đường độc đạo đi vào bản khiến giáo viên không thể qua sông đến trường dạy học.

Cô Nguyễn Thị Hòa - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Liên cho biết: Sáng 26/9, trường có 129 học sinh nhưng gần 60 em vắng mặt. Phần lớn phụ huynh cho biết mưa gió nên cho trẻ ở nhà để đảm bảo an toàn. “Để chủ động đối phó trong mùa mưa bão, hằng năm, nhà trường cắt cử giáo viên ở lại bản để dạy học sinh. Tuy nhiên, do nước lên nhanh, bất ngờ nên tạm thời cho trò nghỉ học đến khi nước rút”, cô Hòa thông tin.

Giao thông chia cắt cũng khiến 3 học sinh khối lớp 6, đang học tại Trường THCS Hương Lâm không thể đi học. Theo thống kê, ngoài số học sinh tại bản Rào Tre, sáng 26/9, Trường THCS Hương Lâm vắng 124/642 em. Phần lớn học sinh vắng mặt sinh sống tại thôn 5, Trường Sơn…

“Thông qua nhóm Zalo, nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm thường xuyên liên hệ với phụ huynh để nắm bắt thông tin. Trường hợp, mưa lớn gây ngập úng, các em được phép nghỉ học. Ngoài ra, nhà trường cũng nhắc nhở phụ huynh đảm bảo an toàn cho các em trước và sau khi đến trường”, thầy Nguyễn Quang Hiền - Hiệu trưởng Trường THCS Hương Lâm thông tin.

Để chủ động ứng phó với mưa lũ, ngành Giáo dục Hương Khê chỉ đạo các trường tùy tình hình thực tế để cho học sinh nghỉ học và xây dựng phương án học bù khi thời tiết ổn định. Tại các trường học, cán bộ, giáo viên chủ động di dời tài sản, thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập đến nơi an toàn. Thường xuyên giữ liên lạc, phối hợp với cha mẹ học sinh để quản lý các em, đảm bảo an toàn về người và tài sản, báo cáo kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Hương Khê, tổng lượng mưa đo được tại Trạm Khí tượng thị trấn Hương Khê từ 23 giờ ngày 24/9 đến 6 giờ ngày 26/9 là 215,7mm.

Chính quyền huyện Minh Hóa (Quảng Bình) lập rào chắn cảnh báo khu vực nguy hiểm cho người dân.

Chính quyền huyện Minh Hóa (Quảng Bình) lập rào chắn cảnh báo khu vực nguy hiểm cho người dân.

Sẵn sàng phương án “4 tại chỗ”

Mưa lớn trong 2 ngày qua khiến nhiều điểm trường ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình bị chia cắt. Ông Đinh Tuấn Anh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Minh Hóa cho biết, do mưa lớn nên giao thông bị chia cắt, không thể đi lại. Một số trường tại xã Tân Hóa, Minh Hóa, Xuân Hóa, Dân Hóa, Hóa Thanh, Hóa Tiến phải cho học sinh nghỉ học. Khi thời tiết thuận lợi, đảm bảo an toàn, các đơn vị mới dạy và học trở lại.

“Phòng GD&ĐT huyện Minh Hóa đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn chủ động phương án phòng chống thiên tai theo phương châm ‘4 tại chỗ’. Trên cơ sở đó, nhà trường xây dựng phương án ngay từ đầu năm học. Đối với trường học nằm trong vùng trũng thấp, thường xuyên xảy ra ngập lụt thì chủ động di chuyển bàn ghế, tài sản lên khu vực cao ráo. Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho giáo viên, học sinh. Phối hợp với phụ huynh các địa phương để thực hiện tốt công tác phòng chống lụt bão”, ông Đinh Tuấn Anh cho hay.

Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Minh Hóa, tại địa phương, nhiều trường học nằm ở địa bàn có nguy cơ ngập lụt cao như xã Tân Hóa, điểm trường Bãi Dinh (xã Dân Hóa); trường học nằm trong vùng bị chia cắt ở xã Minh Hóa, Trường Tiểu học và THCS xã Thượng Hóa, trường ở xã Hóa Sơn, một số trường tại xã Trọng Hóa, các điểm trường Ka Ai (xã Dân Hóa), điểm trường xã Xuân Hóa...

Vào mùa mưa bão, ngành Giáo dục tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT, đơn vị thường xuyên theo dõi thông tin thời tiết, cảnh báo mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất... đặc biệt là khu vực có nguy cơ mất an toàn như suối, cầu tràn, ngầm tràn, vùng ngập lụt cục bộ để thông tin kịp thời tới học sinh, phụ huynh và cán bộ quản lý, giáo viên nắm bắt và chủ động phòng tránh.

Tuân thủ các chỉ đạo của chính quyền địa phương và hướng dẫn của cơ quan chức năng để có phương án ứng phó kịp thời; thủ trưởng đơn vị chủ động quyết định cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Một trường học tại huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) bị ngập úng do mưa lớn trong nhiều ngày.

Một trường học tại huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) bị ngập úng do mưa lớn trong nhiều ngày.

Sẵn sàng di dời học sinh

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, tại huyện miền núi Quảng Nam có mưa to đến rất to. Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam đã phát cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét trên sông suối nhỏ và sạt lở đất ở sườn dốc các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Quế Sơn, Núi Thành, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Duy Xuyên.

Tại huyện Bắc Trà My, ngày 26/9, thầy Phan Duy Biên - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Trà Ka (xã Trà Ka, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) cho biết, để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên trước diễn biến mưa, lũ, trường đã lên phương án sẵn sàng di dời nếu xảy ra tình huống xấu.

“Trường hợp mưa lớn kéo dài, đề phòng việc sạt lở, trường sẽ đưa 81 học sinh THCS, giáo viên, nhân viên đang ở nội trú tại trường đến điểm khác, cách đó 100m để ở. Mục tiêu hàng đầu là đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên và tất cả trang thiết bị dạy học”, thầy Biên chia sẻ.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Thanh Tú - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) cho biết, địa bàn nơi trường học đóng chân chủ yếu là miền núi. Nếu mưa lớn kéo dài dễ có nguy cơ sạt lở đất nên ngành Giáo dục huyện đã yêu cầu các trường học chủ động cho học sinh nghỉ học.

Bước vào mùa mưa lũ, các trường học tại vùng miền núi tỉnh Quảng Bình chuẩn bị sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn tính mạng cho giáo viên và học sinh; đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, sách vở, dụng cụ dạy học.

Trường Tiểu học Liên Sơn (xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa) đóng trên vùng thấp trũng, thường xuyên xảy ra ngập lụt. Năm học này, nhà trường có khoảng 455 học sinh các khối lớp. Cô Lê Thị Oanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Liên Sơn cho hay, mưa lớn từ ngày 25/9 khiến nước từ bên ngoài tràn vào sân trường. Tuy nhiên, nhà trường chưa bị ảnh hưởng nên việc dạy học vẫn diễn ra bình thường.

“Nếu tiếp tục mưa, tùy tình hình có thể huy động giáo viên dọn toàn bộ sách vở, trang thiết bị ở tầng 1 lên tầng 2. Những vật dụng dạy học khác thì dùng dây thừng buộc ở phía dưới. Theo dõi thấy mực nước dâng lên một điểm nhất định, nhà trường thông báo nghỉ học. Nhà trường cũng phối hợp hội phụ huynh để theo dõi mực nước trên sông, nhằm chủ động phương án cho học sinh nghỉ học hoặc kê cao đồ dùng dạy học, trang thiết bị... để hạn chế thiệt hại”, cô Lê Thị Oanh cho hay.

Từ ngày 25/9 đến nay, mưa lớn đã gây ùn ứ, nước ngập cục bộ ở sân Trường PTDTNT huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Chia sẻ của thầy Hoàng Đức Hòa - Hiệu trưởng Trường PTDTNT huyện Bố Trạch, nhà trường quán triệt các em ở lại trường học, không di chuyển ra khu vực bên ngoài. Đặc biệt, các thầy cô tăng cường quản lý, không để trò tự ý đi về. Với giáo viên, nhà trường yêu cầu ở lại trường vào mùa mưa lũ, khi an toàn mới được di chuyển.

“Hiện, tất cả trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn huyện đều có khu nội trú cho học sinh, giáo viên. Ngành Giáo dục yêu cầu ban giám hiệu các trường phải túc trực, đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên.

Đối với học sinh nội trú, giáo viên ở khu tập thể…, nếu thuộc vùng dễ bị sạt lở phải di chuyển đến nơi an toàn. Cùng đó, đảm bảo ăn uống, sinh hoạt cho mọi người nếu xảy ra mưa lớn cục bộ, chia cắt giao thông”, ông Nguyễn Thanh Tú - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ