(GD&TĐ) – Chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Đồng Tháp và An Giang sẽ tổ chức đưa, đón trẻ vùng lũ đến trường, đảm bảo các điều kiện chăm sóc dinh dưỡng, y tế, học tập, vui chơi và giải trí… trong những ngày lũ lớn.
Hãy cùng chia sẻ khó khăn với trẻ em vùng lũ (Ảnh: MH) |
Cụ thể, trên địa bàn thành phố Cần Thơ, 59 điểm trông giữ đã sẵn sàng đón nhận trẻ. Các điểm này tập trung ở 4 huyện: Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh, mỗi điểm có từ 20-25 trẻ.
Dự kiến, toàn thành phố Cần Thơ có khoảng 1.400 trẻ em được tiếp nhận và chăm sóc tại các điểm trông giữ trẻ. Thời gian trông giữ trẻ là 45 ngày, các điểm trông giữ trẻ sẽ tiếp nhận trẻ từ ngày 25/9/2012. Đối với những địa phương đầu nguồn lũ, thời gian trông giữ trẻ sẽ kéo dài hơn.
Tại Đồng Tháp, hiện có trên 350 điểm trông giữ trẻ cộng đồng được duy trì từ năm 2010, phân bổ đều tại các huyện, thị đầu nguồn tùy theo nhu cầu thực tế của mỗi địa phương, như: thị xã Hồng Ngự (có 36 điểm giữ trẻ), Tháp Mười (có 22 điểm)…
Còn tại An Giang, để chủ động trong mùa lũ năm 2012, tỉnh An Giang cũng đã triển khai kế hoạch tổ chức khoảng 50 điểm trông giữ trẻ tại các vùng ngập sâu, với quy mô mỗi điểm tập trung từ 15-40 trẻ.
Thống kê của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, từ năm 2007 đến nay, tỷ lệ trẻ đuối nước ngày càng có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là trong mùa mưa lũ. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), 2 địa phương có số lượng trẻ đuối nước khá cao là An Giang và Đồng Tháp.
Do vậy, các điểm giữ trẻ trong mùa lũ là một hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần đảm bảo an toàn, phòng tránh nguy cơ đuối nước ở trẻ em tại các địa phương có nước dâng cao, giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn được gửi con, an tâm lao động.
Chương trình cụm, tuyến dân cư vượt lũ đã triển khai trên địa bàn 8 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL gồm: Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và TP Cần Thơ. Thống kê mới đây của Bộ Xây dựng cho biết, đến nay đã triển khai 798 dự án, chia làm 982 cụm, tuyến dân cư, xét diện cho gần 190.000 hộ dân sống ở những vùng ngập, sạt lở vào sống an toàn, ổn định. |
Bảo Minh (TH)