Nghiên cứu mới đây nêu 4 lý do chính khiến hội nghị truyền hình gây mệt mỏi bất thường và đưa ra một số giải pháp.
Mọi người nhìn chằm chặp vào bạn
Nguyên nhân đầu tiên gây ra mệt mỏi là trạng thái căng thẳng bởi việc giao tiếp bằng mắt cận cảnh quá mức. Trong cuộc họp trực tiếp, những người tham gia sẽ chuyển từ nhìn vào diễn giả sang các hoạt động khác. Trái lại, trên Zoom, mọi người luôn chú ý tới nhau.
Lo lắng tạo ra bởi một số khuôn mặt nhìn “chằm chặp” có thể được ví như sự căng thẳng khi nói trước đám đông. Ông Bailenson giải thích, Zoom biến mọi người tham gia cuộc gọi thành một diễn giả liên tục bị “đắm chìm” trong ánh mắt của người khác.
Một yếu tố khác có thể là kích thước của các khuôn mặt trên màn hình. Nghiên cứu của nhà nhân chủng học văn hóa Edward Hall vào những năm 1960 cho thấy, về cơ bản, khoảng cách giữa các cá nhân ảnh hưởng đến cảm xúc và hành vi.
Từ dẫn chứng này, chuyên gia Bailenson cho biết, không gian thân mật của một người trải dài trong bán kính khoảng 60 cm. Sự tương tác ở không gian này thường dành cho gia đình hoặc bạn bè thân thiết, nhưng tùy thuộc vào kích thước màn hình.
Các giải pháp ngắn hạn để điều chỉnh những vấn đề này là giảm kích thước cửa sổ hội nghị truyền hình. Theo ông Bailenson, mục tiêu là tăng không gian cá nhân giữa bản thân và khuôn mặt của những người tham gia khác.
Sự phân tâm của video
Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 1999 từ Pamela Hinds của Đại học Stanford đã xem xét sự khác biệt trong quá trình xử lý nhận thức giữa giao tiếp bằng âm thanh và hình ảnh. Hinds đã yêu cầu các tình nguyện viên tham gia nhiệm vụ nhằm xem mức độ nhận thức, trò chơi đoán và nhận dạng. Kết quả cho thấy, những người tham gia nhiệm vụ bằng âm thanh có thể làm tốt hơn ở trò chơi nhận dạng.
Chuyên gia Bailenson nói rằng, sự liên tục của các tín hiệu phi ngôn ngữ phức tạp, cả gửi và nhận trong quá trình tương tác Zoom có thể ảnh hưởng lớn đến cảm giác mệt mỏi do công nghệ tạo ra. Ông gợi ý, các cuộc họp Zoom dài nên được yêu cầu ngắt quãng chỉ có âm thanh. Nhờ đó, giúp giảm tải nhận thức của các tương tác video.
Bailenson giải thích: “Điều này không chỉ đơn giản là bạn tắt camera của mình, mà còn xoay người ra khỏi màn hình trong vài phút. Từ đó, giúp không bị choáng ngợp với những cử chỉ thực tế về mặt tri giác, nhưng vô nghĩa về mặt xã hội”.
Chú ý tới ngoại hình bản thân
Theo ông Bailenson, có lẽ, điều kỳ lạ nhất của hội nghị truyền hình là hình ảnh phản chiếu của một người trên màn hình.
“Không có dữ liệu về tác động của việc ngắm nhìn bản thân trong nhiều giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, có khả năng là sự phản chiếu liên tục trên Zoom sẽ gây ra tình trạng tự đánh giá và kéo theo ảnh hưởng tiêu cực”, chuyên gia này nhận định.
Do đó, ông Bailenson gợi ý, mọi người nên ẩn chế độ nhìn thấy chính mình khi tham gia hội nghị truyền hình. Chuyên gia này đồng thời khuyến nghị các nền tảng không nên đặt chế độ nhìn thấy bản thân thành tùy chọn mặc định trong các cuộc gọi video.
Hạn chế vận động
Bailenson chỉ ra rằng, một nhóm nghiên cứu gần đây phát hiện, vận động có thể cải thiện hiệu suất nhận thức. Ví dụ, một nghiên cứu gần đây cho thấy đi bộ trên máy chạy có thể nâng cao tư duy sáng tạo khác biệt so với lúc ngồi.
Ngay cả trong các cuộc họp trực tiếp thông thường, mọi người có xu hướng di chuyển trong phòng, đứng trong khi trình bày thông tin hoặc đi nhanh vào lúc nghĩ ra những ý tưởng mới. Tất nhiên, các cuộc họp qua Zoom có thể không tồn tại những yếu tố này. Và, trong một số trường hợp, tình trạng này có thể dẫn đến sự kém hiệu quả.
Theo ông Bailenson, đối với các cuộc họp cần diễn ra trên Zoom, mọi người nên tạo thêm khoảng cách giữa bản thân và máy ảnh. Điều này có thể đạt được thông qua việc sử dụng camera bên ngoài, tách biệt với máy tính. Nhờ đó, tạo ra khoảng cách cá nhân cho phép một người di chuyển trong phòng.
Tối ưu hóa hiệu quả khi sử dụng công nghệ
Zoom và các công nghệ hội nghị truyền hình khác, chắc chắn là những công cụ đáng kinh ngạc giúp chúng ta vượt qua đại dịch toàn cầu Covid-19. Rất khó để tưởng tượng mọi thứ sẽ khác như thế nào nếu đại dịch này xảy ra vào 15 năm trước.
Và, không có khả năng mọi thứ sẽ hoàn toàn trở lại như trước đại dịch. Các cuộc họp ảo hiện đã “len lỏi” sâu vào kết cấu xã hội của chúng ta. Hội nghị truyền hình trong quá khứ là một lựa chọn hiếm hoi, được sử dụng trong những trường hợp không thể gặp mặt trực tiếp.
Nhưng giờ đây, trong tương lai, những hoạt động trực tuyến đã trở thành điều quen thuộc và được bình thường hóa. Thậm chí, các cuộc họp Zoom được thiết lập để trở thành một phần vĩnh viễn trong cuộc sống của chúng ta.
Bailenson thẳng thắn chỉ ra nhiều kết luận của ông trong nghiên cứu mới này là hoàn toàn mang tính giả thuyết. Trong năm qua, hàng trăm triệu người đã chấp nhận một hình thức giao tiếp mới. Việc thực hiện nghiên cứu để biết rõ những tác động tiêu cực tiềm ẩn là điều cần thiết. Qua đó, nhằm giúp đưa ra biện pháp để tối ưu hóa việc sử dụng công nghệ này.