Tại sao một chương trình điện toán, vốn ít được biết đến, lại nhanh chóng được ưa chuộng như vậy?
Đại dịch Covid-19 bùng nổ, cùng với đó là lệnh cấm hoặc khuyến cáo hạn chế ra khỏi nhà, là nguyên nhân dẫn đến việc các dịch vụ nhắn tin, trò chuyện trực tuyến (instant messager - IM) “lên ngôi”. Nhiều trường phổ thông, trường đại học, thậm chí nhiều doanh nghiệp buộc phải nhanh chóng chuyển sang chế độ học tập, giảng dạy, làm việc từ xa. Người ta bắt đầu đổ xô đi tìm các giải pháp có lợi nhất, giúp giao tiếp dễ dàng. Trong “cuộc chiến” này, thật bất ngờ là Công ty Zoom Video Communication (Mỹ) cùng với ứng dụng Zoom đã chiếm ưu thế.
Mặc dù, Zoom đã hình thành từ nhiều năm trước, nhưng đến nay ứng dụng này mới giành được thành công. Zoom vượt lên trên cả các IM phổ biến khác, chẳng hạn như Skype, Discord hay Google Hangouts. Một số chức năng, trước đó được các công ty sử dụng trong hội họp từ xa, trở nên hữu ích trong các giao tiếp từ xa, cũng như học tập trực tuyến. Khả năng thiết lập video chat trong nhóm, tính tương thích lớn với nhiều loại thiết bị, tính dễ dàng trong cài đặt… đã khiến ứng dụng Zoom trở thành nhu cầu lớn trong giao tiếp trên mạng.
Zoom lọt vào top các ứng dụng phổ biến nhất, cả trong kho ứng dụng Google Play cũng như App Store. Lợi nhuận của Zoom Video Communication đã tăng 35% ngay trong 2 tuần đầu tháng Ba, còn hiện nay đang giữ ở mức 200% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong thời gian 1 tháng, số lượt tải về của Zoom tăng gấp 12 lần. Tuy nhiên, bên cạnh sự gia tăng mối quan tâm đối với ứng dụng Zoom, Công ty Zoom Video Communication cũng gặp một số vấn đề.
Một trong số đó là sự chống đối của một số HS. Những HS này đã trút vào “cửa hàng Google” những đánh giá tiêu cực về Zoom. “Chiến thuật” này cũng giống như cách mà học trò Trung Quốc sử dụng mấy tháng trước, đó là: “Dội bom” các đánh giá tiêu cực về một ứng dụng nào đó, được sử dụng cho học từ xa, nhằm mục đích để “cửa hàng Google” loại bỏ nó. Kết quả là đánh giá chung về ứng dụng Zoom đã giảm từ 4,5 “sao” xuống còn 2,0 “sao”. Trong số các nhận xét về Zoom, có những nhận xét rất vô lý như: “Em không muốn học, nên em không thích Zoom”, “Vì Zoom mà em phải học Ngữ văn” hoặc đơn giản hơn là: “Ứng dụng này đáng cho vào sọt rác”(!).
Tính phổ biến của Zoom cũng làm nảy sinh câu hỏi về sự minh bạch và an toàn. Đã từng xảy ra một vài sự cố đối với ứng dụng này. Một trong những sự cố đó là lỗ hổng bảo mật, cho phép khởi động camera mà không có sự đồng ý của người sử dụng. Vào tháng 1/2020, người ta còn phát hiện lỗi bảo mật của Zoom, qua đó hacker có thể nghe trộm cuộc trò chuyện.