Nói đến bệnh ung thư dạ dày, người ta thường miêu tả sự diễn tiến của bệnh kéo dài từ nhẹ đến nặng, bệnh mắc lâu ngày sinh ra ung thư. Vì thế, đây có thể xem là một dạng bệnh mãn tính, cũng là một dạng bệnh của tuổi tác, có một quá trình dài phát triển.
Bắt đầu từ các chứng bệnh nhẹ như viêm dạ dày, sau đó dần dần chuyển sang dạ dày co thắt, rồi mới chuyển sang thể u bướu. Đây là cơ hội để phòng bệnh rất tốt nhưng nhiều người trong chúng ta chưa biết, hoặc chưa đủ quan tâm.
Bài viết này của Bác sĩ Bộ Triệu Đức, Giám đốc Trung tâm Ung bướu dạ dày, Bệnh viện Ung bướu Đại học Bắc Kinh (TQ) giúp chúng ta hiểu rõ bản chất của bệnh ung thư dạ dày và các giải pháp phòng tránh hiệu quả.
Ung thư dạ dày ở nam nhiều hơn nữ, số người mắc ngày càng tăng
Theo số liệu thống kê mới nhất, ung thư dạ dày có tỉ lệ người mắc cao thứ 2 trong nhóm bệnh ung thư tại Trung Quốc, chỉ sau ung thư phổi. Nam giới có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn nữ khoảng 1,5 lần.
Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy việc mắc bệnh ung thư có liên quan rõ ràng đến sự khác biệt của chủng người, khu vực và các thói quen. Các số liệu thống kê cho thấy, tỉ lệ mắc ung thư ở vùng Đông Á cao hơn nhiều so với thế giới, tổng số bệnh nhân chiếm tới 70% toàn cầu và đang không ngừng tăng lên.
4 nguyên nhân cần phải được cảnh báo sớm
Tại sao ung thư lại có tỉ lệ mắc bệnh theo vùng miền? Theo bác sĩ Đức, điều này đều có những nguyên nhân cụ thể. Nghiên cứu cho thấy, nhóm người có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày thường là khoảng 60 tuổi. Nhưng hiện nay đang ngày càng trẻ hóa.
Ngoài ra, bệnh phát sinh theo đặc điểm địa phương, ngay ở Trung Quốc, các tỉnh thành mắc ung thư nhiều chủ yếu ở miền nam như Sơn Đông, Liêu Đông, Phúc Kiến vì sự liên quan đến thói quen ăn uống của người dân địa phương.
Bác sĩ Đức giải thích:
(1) Nguyên nhân gây ung thư được cho là liên quan đến thói quen ăn mặn, ăn đồ nướng và thực phẩm ngâm tẩm nhiều, làm cho lượng nitrit tăng, protein biến đổi, từ đó dễ gây ra bệnh về tiêu hóa…
(2) Uống nhiều rượu là một trong những thói quen rất dễ làm hỏng niêm mạc dạ dày, từ đó gây ra các bệnh về dạ dày ở mức độ khác nhau.
(3) Tỉ lệ người bị nhiễm vi khuẩn H. pylori cao cũng là một trong những nguyên nhân gây ung thư.
(4) Yếu tố di truyền có sự liên quan tới nguy cơ mắc bệnh. Nếu trong gia đình có người mắc ung thư hoặc xuất hiện các khối u ở hệ tiêu hóa thì nguy cơ mắc bệnh ở những người cùng huyết thống sẽ cao hơn.
Các triệu chứng sớm của ung thư dạ dày
Trong thực tế, nhiều bệnh ung thư đều không có triệu chứng ban đầu rõ ràng, thậm chí nhiều bệnh ung thư còn không có dấu hiệu gì cho đến khi được phát hiện.
Tuy nhiên, bác sĩ Đức muốn nhấn mạnh rằng, ung thư dạ dày quan trọng nhất là chú ý các tổn thương tiền ung, tức là khi bạn hoàn toàn chưa có tế bào ung thư. Bản thân những tổn thương này dù chưa phải là ung thư, nhưng nó có khả năng tiến triển thành ung thư.
Loại thứ nhất chính là bệnh dạ dày co thắt do nhiễm trùng liên tục, bị kích thích lặp đi lặp lại, viêm niêm mạc, dần dần dẫn đến dị sản, cuối cùng phát triển thành tế bào ung thư.
Loại thứ 2 là polyp dạ dày. Các polyp này thường được phát hiện bất ngờ thông qua lần đi khám nội soi nào đó. Bệnh gần như không có triệu chứng sớm hay cảnh báo. Khi thấy đau mới đi khám thì đã diễn tiến thành ung thư giai đoạn muộn.
Loại thứ 3 là những người đã từng trải qua phẫu thuật dạ dày trong quá khứ, dạ dày đã bị cắt bớt. Nếu bị chảy máu dạ dày phải phẫu thuật mà không được điều trị triệt để, dạ dày bị rò rỉ hay tổn thương bên trong đều dễ có nguy cơ tiến triển thành ung thư.
Loại thứ 4 chính là những người có nguy cơ cao như bị viêm dạ dày, người mắc các bệnh khác về dạ dày chưa được điều trị triệt để.
Cách thăm khám dạ dày định kỳ
Nhiều người cảm thấy khám nội soi là một việc sẽ gây ra đau đớn, vì thế tâm lý chung là nếu không rơi vào “hoàn cảnh bắt buộc” thì sẽ không bao giờ muốn khám bệnh bằng cách này. Vậy chẩn đoán ung thư dạ dày có cách đơn giản hơn không?
Bác sĩ Đức nói, mặc dù hình thức khám này có chút bất tiện, nhưng bất kỳ ai nếu muốn kiểm tra sớm ung thư dạ dày, không có lựa chọn nào tốt hơn cả.
Trong quá trình nội soi, bác sĩ sẽ nhìn rất rõ những thay đổi nhỏ bên trong dạ dày, những dấu hiệu ung thư sớm sẽ được phát hiện một cách dễ dàng hơn.
Kể cả hình thức chụp CT hiện tại, dù đơn giản hơn nhưng sẽ khó phát hiện những vết tổn thương nhỏ li ti ở trong thành dạ dày, màu sắc thay đổi trong niêm mạc dạ dày cũng không thể nhìn rõ. Vì vậy, cách khám tiền ung thư dạ dày tốt nhất hiện này vẫn là nội soi, sinh thiết.
Phương pháp điều trị bệnh ung thư dạ dày
Tất cả các phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, điều trị chăm sóc hỗ trợ đều là phương pháp chính trong điều trị hiện đại.
Bác sĩ Đức cho biết, phẫu thuật là phương pháp chính để chữa bệnh ung thư dạ dày giai đoạn sớm. Cách điều trị tổng hợp đa phương pháp đang là lựa chọn điều trị tiên tiến nhất.
Giải pháp này cần dựa trên các điều kiện thực tế của mỗi bệnh nhân, của thực tế hồ sơ bệnh lý sau khi hội chẩn và ý kiến của nhiều chuyên gia đa khoa, kết hợp với điều kiện của gia đình bệnh nhân để đưa ra những quyết định điều trị cuối cùng.
Bệnh dạ dày xảy ra tùy từng vị trí và tiến triển bệnh khác nhau nên cơ hội điều trị bệnh cũng có nhiều khác biệt. Từ căn cứ này mà mỗi bệnh nhân đều có những phác đồ điều trị riêng biệt, không giống nhau.
Do đặc điểm tổn thương ung thư ở mỗi người đều khác nhau nên nếu sau phẫu thuật ung thư , số bệnh nhất sống được trên 5 năm tại Trung Quốc đạt tỉ lệ 45-50%.
Cách phòng ngừa ung thư tốt nhất
Nhiều người sợ bị ung thư nên hầu hết đều muốn biết phương pháp phòng ngừa tốt nhất là gì. Bác sĩ Đức chia sẻ, thực tế cho thấy, để phòng bệnh, cách duy nhất là hãy quản lý tốt cái miệng, đó là điều then chốt. 3 cách đơn giản sau ai cũng nên nhớ.
Một là, chế độ ăn uống cần phải hợp lý. Ví dụ, biết là rượu và thuốc lá có hại, thì cần loại bỏ hoặc hạn chế nó trước khi đưa lên miệng.
Hoặc biết là những món ăn mặn, đồ nướng, đồ ngâm tẩm bảo quản dài ngày có nguy cơ gây bệnh, thì bạn cũng cần phải tạo thành thói quen biết chọn lọc thực phẩm trước khi ăn. Thực phẩm thiếu lành mạnh thì dù ngon cũng phải biết kiềm chế.
Nên ăn nhiều những thực phẩm an toàn, tốt cho đường tiêu hóa. Ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi.
Hai là, nếu trong gia đình có người từng bị ung thư, thì các thành viên cùng huyết thống nên lưu ý về yếu tố di truyền. Hãy tích cực và chủ động thực hiện việc khám tầm soát ung thư bằng cách nội soi khoảng 3 năm/lần hoặc theo đề nghị cụ thể của bác sĩ sau khi thăm khám.
Ví dụ, nếu trong gia đình có thành viên trẻ nhất từng phát hiện mắc bệnh ung thư khi 55 tuổi, thì các thành viên cùng huyết thống nên bắt đầu đi khám lần đầu tiên ở tuổi 40, và sau đó thì tiếp tục theo dõi để phòng bệnh triệt để.
Ba là, những người bị loét dạ dày, viêm dạ dày mãn tính và các bệnh đau dạ dày khác cần phải tiến hành điều trị tích cực để ngăn chặn bệnh tiến triển, thường xuyên đi đến bệnh viện để kiểm tra định kỳ, tránh việc chậm trễ để cho bệnh tiến triển thành ung thư.