Theo ThS.BS Nguyễn Hoàng Đức – Trưởng khoa Tiết niệu BV Đại học Y Dược TPHCM cho biết, bệnh nhân VTS (59 tuổi, ngụ tại TPHCM), nhập viện vì đau hông trái kéo dài nhiều năm.
Người bệnh đã biết mình có viên sỏi rất lớn ở thận trái từ 5 - 6 năm nay nhưng không dám điều trị vì khi đi khám ở các bệnh viện khác, người bệnh đều được chỉ định mổ hở lấy sỏi, thậm chí có nơi còn yêu cầu cắt bỏ thận có sỏi.
Người bệnh cảm thấy rất sợ và chần chừ điều trị. Khi đến BV Đại học Y Dược, sau khi thăm khám và chụp CT – scan, các bác sĩ Khoa Tiết niệu phát hiện người bệnh bị sỏi san hô kích thước 74mm x 48mm, chiếm hết toàn bộ thận và các đài thận. Đây là 1 trường hợp sỏi thận phức tạp, hiếm gặp.
Các bác sĩ nhận định, nếu không điều trị sỏi có khả năng sẽ tàn phá, làm mất chức năng thận. Không những thế, sỏi còn có thể gây ra những đợt nhiễm trùng thận tái đi tái lại, đôi khi nhiễm trùng nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng.
Phương pháp phẫu thuật nội soi giúp vết mổ nhỏ chỉ còn khoảng 10mm Ảnh: HP
Bác sĩ Đức chia sẻ, trước đây khi phẫu thuật nội soi Niệu chưa phát triển, những trường hợp sỏi san hô như thế này đều phải mổ hở lấy sỏi, thậm chí phải cắt bỏ thận.
Phẫu thuật mổ hở lấy sỏi trong những trường hợp này cũng có nhiều tai biến như chảy máu sau mổ, xì rò nước tiểu, tổn thương nhu mô thận gây ảnh hưởng chức năng thận... Tuy nhiên hiện nay BV Đại học Y Dược đã có thể thực hiện kỹ thuật nội soi, chuyên sâu cho điều trị nhiều bệnh lý khác nhau.
Điển hình trong trường hợp này, nhờ áp dụng phẫu thuật nội soi, các viên sỏi san hô vẫn có thể được lấy ra khỏi thận chỉ với 1 vết mổ nhỏ khoảng 10 mm vùng hông lưng, đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh như ít sang chấn, ít mất máu, ít ảnh hưởng đến chức năng thận, ít đau và hồi phục nhanh sau mổ.
Hình CT sỏi san hô trong thận bệnh nhân Ảnh: HP
“Sau khi tư vấn, người bệnh được phẫu thuật viên tạo 1 đường hầm nhỏ xuyên từ ngoài da vào trong thận để tán sỏi và gắp vụn sỏi ra ngoài.
Sau phẫu thuật, người bệnh nằm viện 1 - 2 ngày, sau đó về nhà nghỉ ngơi vài ngày rồi lại trở lại bệnh viện để tiếp tục nội soi gắp sỏi. Sau 4 lần nội soi gắp sỏi, người bệnh đã sạch gần 98% sỏi, chỉ còn 1 mảnh vụn sỏi 5mm còn sót lại” – BS Đức nói.
Theo ThS.BS Nguyễn Hoàng Đức – Trưởng khoa Tiết niệu BV Đại học Y Dược TPHCM, hiện nay trên dân gian nay đồn đại việc chữa trị sỏi thận bằng cách uống chuối hột, nhờ lang y xoa bụng hay uống nước gừng.. là hoàn toàn chưa có căn cứ.
Bác sĩ Đức khuyến cáo, để phát hiện sớm sỏi niệu người dân cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ. Siêu âm bụng là phương tiện tầm soát giúp phát hiện sớm sỏi niệu tốt nhất nhất.
Biện pháp duy nhất ở thời điểm hiện tại để phòng ngừa sỏi niệu là nên uống nhiều nước, trung bình mỗi ngày nên uống từ 1.500 - 2.000 ml nước.