Trường hợp nào được coi là sinh non?
Trẻ sinh non là khi bé chào đời trước tuần thai thứ 37. Cân nặng của trẻ sinh non thường dưới 2,5kg. Trẻ sinh càng non cân nặng càng thấp.
Một số bé sinh đủ tháng nhưng bị suy dinh dưỡng cũng có mức cân nặng khi sinh chỉ rơi vào khoảng 2,5kg.
Nhờ tiến bộ của y học, càng ngày càng có nhiều trẻ sinh non được cứu sống. Tuy nhiên, không ít bé gặp nhiều vấn đề về sức khỏe sau khi sinh. Nó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sau đó như thiếu máu, suy hô hấp, xuất huyết não thất, chỉ số IQ thấp, chậm phát triển chiều cao, cân nặng...
Do bệnh lý của mẹ
Những thai phụ từ 35 tuổi trở lên hoặc người bị huyết áp cao, tử cung dị dạng, hở eo tử cung, từng nạo phá thai, từng sinh non, sử dụng chất kích thích sẽ có nguy cơ sinh non cao hơn.
Tình trạng bất thường trong thai kỳ
Thai phụ gặp tình trạng bất thường như vỡ ối non, đa ối, đa thai, thai dị dạng cũng phải đối mặt với nguy cơ sinh non.
Do nhau thai
Thai phụ gặp tình trạng nhau tiền đạo, nhau bong non, thiểu năng nhau thai khiến cơ thể mẹ không cung cấp đủ dinh dưỡng cho con sẽ gây ra tình trạng sinh non.
Mẹ làm việc quá sức, stress nặng
Theo nghiên cứu của PGS TS BS Võ Minh Tuấn và Ths Bs Nguyễn Xuân Vũ, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, những người phải đứng một chỗ làm việc trên 6 giờ/ngày có nguy cơ sinh non cao gấp 2.51 lần so với người không đứng khi làm việc.
Mang vật nặng khoảng 5kg cũng làm nguy cơ sinh non tăng 2,98 lần so với mang vật nặng dưới 5 kg.
Ngoài ra phụ nữ không hài lòng với công việc, nguy cơ sinh non tăng lên 3,36 lần so với người rất hài lòng với công việc.
Người phải làm việc với sức ép hoàn thành cũng có nguy cơ sinh non cao hơn 2,90 lần so với làm việc không có sức ép hoàn thành.