Theo TS Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm khoa Công nghệ Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) - dù bằng các hình thức, phương thức khác nhau, tên gọi khác nhau nhưng chương trình kiến tập - thực tập sư phạm (KT-TTSP) trong đào tạo giáo viên đều có thể tạm chia thành 4 giai đoạn.
Giai đoạn kết nối
Trong giai đoạn kết nối (tương tự như phần kiến tập sư phạm như hiện nay) với mục đích làm quen với thực tiễn nhà trường, giáo sinh sẽ được trải nghiệm việc quan sát cả các hoạt động thực tế của nhà trường phổ thông (tiểu học, trung học) bao gồm: hoạt động giảng dạy, hoạt động giáo dục và hoạt động phát triển chuyên môn nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên tại nhiệm.
Giai đoạn trải nghiệm
Giai đoạn trải nghiệm gắn với quá trình tổ chức các hoạt động cho giáo sinh trên cơ sở đề xuất các kế hoạch triển khai cụ thể cho quá trình dạy học và giáo dục trong thời gian tiếp theo.
Ryan, Toohey & Hughes (1996) cho rằng giáo sinh với tư cách là nhà “thực hành” trong tương lai sẽ phải biết lập kế hoạch, thực hành dạy học và tổ chức hoạt động giáo dục để gắn kết các vấn đề lí luận với thực tiễn nhà trường nơi thực tập, và đánh giá được kết quả thực hiện của chính họ.
Nhà trường phổ thông nơi thực tập sẽ tạo cơ hội để giáo sinh làm việc, trải nghiệm việc dạy học, đồng thời sẽ nhận xét phản hồi và đánh giá kết quả sự tiến bộ của giáo sinh theo các nhiệm vụ, mục tiêu đã thống nhất.
Trong giai đoạn kết nối và trải nghiệm, nhà trường phổ thông giữ vai trò chủ đạo trong tổ chức thực hiện các hoạt động nội dung và đánh giá kết quả của giáo sinh.
Trong thời gian này giáo sinh thực hiện đồng thời việc học tập tại trường sư phạm và làm việc tại trường phổ thông, vận dụng các kiến thức lí thuyết để giải quyết nội dung, nhiệm vụ đợt KT-TTSP.
Mặt khác, giáo sinh có nhiệm vụ phát hiện những vấn đề thực tiễn trong quá trình KT-TTSP, xây dựng các chủ đề nghiên cứu làm bài tập, thảo luận trong các giờ lên lớp tại trường sư phạm.
Giai đoạn ứng dụng
Trong giai đoạn này, giáo sinh được giao về làm việc với một lớp học sinh cụ thể, thực hiện đầy đủ và toàn diện các hoạt động dạy học và giáo dục tương tự như một giáo viên mới vào nghề theo qui định chung và của nhà trường nói riêng.
Chương trình giáo dục Giáo viên thế kỉ mới (Teachers for a New Era – TNE, 2001) đã nhấn mạnh vai trò của “công đoạn” này như một sự cải tổ mạnh mẽ trong chương trình thực tập và học thuật của quá trình đào tạo giáo viên, sự kết hợp chặt chẽ giữa việc dạy học môn khoa học và thực tập “lâm sàng” để phát triển nghề nghiệp.
Nhà trường phổ thông có trách nhiệm cử các giáo viên có tay nghề chuyên môn cao (có kiến thức sâu về môn học và nghiệp vụ sư phạm tốt) để trực tiếp hướng dẫn và hỗ trợ giáo sinh.
Đồng thời, giai đoạn này cũng đòi hỏi sự kết nối, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường phổ thông và nhà trường đào tạo giáo viên nhằm giúp giáo sinh có cơ hội được thực hành, hình thành và phát triển các cách tiếp cận của cá nhân họ trong dạy học và tổ chức hoạt động giáo dục.
Song song với việc thực hiện các nhiệm vụ của giai đoạn thực tập này, giáo sinh sẽ phải chịu một phần trách nhiệm về kết quả học tập, tu dưỡng, sự tiến bộ của học sinh trong lớp. Nói cách khác, các phản hồi của học sinh về việc dạy học và hoạt động giáo dục được sử dụng như một nguồn đánh giá kết quả thực tập của giáo sinh.
Giai đoạn phát triển nghề nghiệp
Trong thực tiễn đào tạo giáo viên ở một số nước (Phần Lan, Hoa Kì, Singapore, Australia) giai đoạn thực tập này thường gắn với quá trình nâng cao dành cho giáo sinh sắp tốt nghiệp hoặc vừa tốt nghiệp (có bằng cử nhân) hoặc gắn với giai đoạn đào tạo thạc sĩ sư phạm.
Với tư cách là người đã được đào tạo để trở thành giáo viên, giáo sinh sẽ phải thực hiện các nhiệm vụ gắn với nghiên cứu khoa học giáo dục và sư phạm (nghiên cứu, phát hiện và giải quyết các vấn đề của môn khoa học, chương trình đào tạo, người học, các phương pháp dạy học hiệu quả, tổ chức và quản lí giáo dục…).
Giai đoạn thực tập này cũng có thể được kết nối với quá trình làm khóa luận tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ hoặc một số nghiên cứu hành động (Action Research) của giáo sinh.
Giáo sinh được phân công về làm việc với lớp học, thực hiện đồng thời 3 nhiệm vụ: dạy học, tổ chức hoạt động giáo dục và nghiên cứu giáo dục, sư phạm để cải tiến, đổi mới quá trình dạy học trong bối cảnh cụ thể.
Bởi lẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học chính là việc người giáo viên sẽ đi theo định hướng nào để thích ứng với bối cảnh và tổ chức quá trình thích ứng đó ra sao trong việc dạy học của bản thân (Shulman (1986; 1988).
Giai đoạn ứng dụng và phát triển nghề nghiệp được triển khai trong các học kì cuối của chương trình đào tạo giáo viên đồng thời với thời gian làm khóa luận tốt nghiệp (hoặc luận văn tốt nghiệp trong trường hợp triển khai mô hình đào tạo giáo viên có đầu ra ở trình độ Thạc sĩ).
Nhà trường phổ thông có trách nhiệm tạo mọi điều kiện hỗ trợ giáo sinh thâm nhập sâu vào thực tế dạy học và hoạt động giáo dục của nhà trường, khai thác các nguồn thông tin, học liệu để thực hành nghề và nghiên cứu.