Liệu con có biết cách sử dụng số tài sản đó một cách khôn ngoan như bạn mong đợi?
Người Ấn Độ cổ xưa có câu ngạn ngữ “Cha mẹ tích lũy của cải cho con cái là điều vô nghĩa”. Điều này xuất phát từ thực tế, những đứa trẻ lớn lên trở thành những người trưởng thành tài giỏi và sáng suốt, chúng sẽ tự mình kiếm sống tốt nhưng nếu chúng trở nên vô dụng, chúng sẽ phung phí số tiền mồ hôi nước mắt của cha mẹ.
Bất chấp việc câu ngạn ngữ trên có phù hợp với từng gia đình hay không, hầu hết các bậc cha mẹ từ xưa đến nay đều muốn để lại tài sản cho con cái và dành cả đời để cố gắng xây dựng di sản đó.
Để lại tài sản thừa kế có thể là một quyết định mang tính chủ quan, nhưng nếu bạn đang chuẩn bị cho việc đó, chuyên gia khuyên bạn nên cân nhắc những điều này trước khi thực hiện.
Tình trạng hiện tại của bạn
Hầu như cha mẹ nào cũng muốn tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống của con cái bằng cách tạo ra thật nhiều của cải, nhưng đừng vì điều đó mà tự gây tổn hại đến sự thoải mái về điều kiện và mức sống của chính bạn.
Nếu bạn đã làm việc chăm chỉ để cung cấp một nền giáo dục tốt cho con cái và để sau này chúng được tuyển dụng vào môi trường làm việc có điều kiện thuận lợi, thì bạn sẽ không còn cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm về tình trạng tài chính của chúng nữa.
Trước tiên, hãy đảm bảo rằng bạn có đủ tài sản để đảm bảo các nhu cầu sau khi nghỉ hưu và tăng chi phí chăm sóc y tế để sau này bạn không trở nên phụ thuộc tài chính vào con cái.
Ngay cả khi bạn muốn cải thiện lối sống của mình hoặc thực hiện những khát vọng và ước mơ bấy lâu nay bằng khối tài sản mà bạn đã tích lũy được, hãy ưu tiên cho nó.
Nếu bạn muốn mua một chiếc ô tô lớn hơn, một ngôi nhà tốt hơn hoặc đi du lịch thường xuyên, hãy làm điều đó thay vì tích cóp để mua bất động sản cho con.
Tình trạng quan hệ giữa cha mẹ và con cái
Nếu con cái luôn cãi vã hoặc có xu hướng ghen tị, đố kỵ về tình hình tài chính của nhau thì tài sản thừa kế có nhiều khả năng dẫn đến tranh chấp hơn là sự thoải mái. (Ảnh: ITN). |
Bạn có thể quan tâm đến lợi ích tốt nhất của con mình khi quyết định để lại tài sản thừa kế cho chúng, nhưng hãy cân nhắc tính cách và mối quan hệ giữa chúng và quan hệ của chúng với bạn trước khi làm như vậy.
Nếu con cái luôn cãi vã hoặc có xu hướng ghen tị, đố kỵ về tình hình tài chính của nhau thì tài sản thừa kế có nhiều khả năng dẫn đến tranh chấp hơn là sự thoải mái.
Nếu tình yêu giữa các con không bị mất đi, tốt nhất bạn nên chuyển tài sản và của cải theo tỷ lệ tương đương cho chúng khi bạn còn sống, thay vì để chúng trở thành đối tượng hưởng lợi từ bất động sản sau khi bạn qua đời.
Trường hợp bắt buộc để lại tài sản cho con
Nếu bạn có một đứa con gặp khó khăn về thể chất hoặc tinh thần, chắc chắn con sẽ cần được chăm sóc tài chính suốt đời sau khi bạn qua đời.
Tuy nhiên, bạn sẽ cần phải đảm bảo rằng, con được để lại tài sản dưới hình thức ủy thác với những người giám hộ, người chăm sóc và tài liệu thích hợp để việc thừa kế mang lại lợi ích cho đứa trẻ.
Những cách bạn có thể để lại tài sản
Hãy đảm bảo viết di chúc để giảm nguy cơ xung đột giữa những người thừa kế. (Ảnh: ITN). |
Nếu bạn cảm thấy thoải mái về mặt tài chính khi nghỉ hưu và vẫn còn đủ tài sản để truyền lại cho con cái, hãy đảm bảo để lại tài sản theo cách giảm thiểu tranh chấp.
Quan trọng hơn, hãy ghi nhớ nhu cầu và sở thích của con cái. Ví dụ, nếu chúng đã định cư ở nước ngoài và không có ý định quay trở lại, việc để lại tài sản sẽ tạo gánh nặng cho chúng trong việc xử lý hoặc bảo quản những tài sản này. Ngoài ra, hãy đảm bảo viết di chúc để giảm nguy cơ xung đột giữa những người thừa kế.
Ngoài ra, bạn cũng có thể cho đi một phần tài sản của mình cho những người không phải là người thừa kế hoặc thành viên gia đình, hoặc hỗ trợ các tổ chức từ thiện mà bạn mong muốn.
Hãy nghiêm túc lập kế hoạch và áp dụng một số suy nghĩ chiến lược cho việc để lại tài sản thừa kế. Công sức cả đời của bạn cần được cho đi một cách xứng đáng.