Bạn ấy nói ra tình hình dịch bệnh Covid-19 ở nơi bạn đang sống khá phức tạp, bố mẹ lại già yếu, nhiều bệnh nền lỡ dính dịch hoặc phải cách ly y tế nếu là F1, F2 thì rất khổ. Vì vậy, tôi hướng dẫn bạn ấy chỉ có cách mời công chứng viên đến nhà để lập di chúc mà thôi.
Từ vụ việc này, tôi chợt nghĩ sao pháp luật không cho phép người dân được lập di chúc qua mạng xã hội? Đem suy nghĩ này trao đổi với một số bạn bè, trong đó có nhiều người làm công tác pháp luật thì họ đều cho là có lý và cần thiết nên có quy định cụ thể, điều chỉnh vấn đề này để triển khai trên thực tế.
Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh cần phải tránh tập trung đông người hoặc vì nguyên nhân nào đó mà không thể đến cơ quan chức năng để lập di chúc được như bị cách ly y tế, cách ly xã hội hay đang bị tạm giam, tạm giữ, không có người làm chứng đủ điều kiện, thiên tai, dịch bệnh…
Hiện chỉ có di chúc bằng văn bản và di chúc miệng có người làm chứng theo các Điều 628, Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015. Mặc dù, không quy định về lập di chúc qua mạng xã hội nhưng các quy định pháp luật về không gian mạng như Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin... thì hành vi của công dân trên không gian mạng bị pháp luật điều chỉnh. Vì thế nhiều trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến mạng xã hội bị xử lý, nhẹ thì xử lý vi phạm hành chính, nặng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Có thể nói, nếu pháp luật quy định cho phép lập di chúc qua mạng xã hội thì sẽ giảm được rất nhiều thủ tục, thời gian, tiền bạc, công sức... đi lại của người dân. Ngoài ra, cũng sẽ giảm bớt khối lượng công việc cần giải quyết cho các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Di chúc miệng (lời nói) còn được chấp nhận thì việc lập di chúc qua mạng xã hội trong một số trường hợp cũng cần được xem xét công nhận. Bởi lẽ, việc lập, lưu trữ thông tin trên không gian mạng rất lâu dài, dễ dàng, đặc biệt khi công khai thông tin trên mạng sẽ có hàng ngàn, hàng triệu người làm chứng nếu được bảo mật tốt thì rất khó giả dối, lừa đảo!
Vấn đề lớn nhất đáng quan tâm nếu cho phép lập di chúc qua mạng xã hội là bảo mật thông tin người dùng, an toàn thông tin dự liệu cá nhân tránh bị tin tặc xâm nhập, ăn cắp thông tin cá nhân để thay đổi di chúc theo ý chí của người đã lập. Đồng thời, phải có quy định chặt chẽ về thủ tục pháp lý, theo đó sau khi lập di chúc trong một thời gian nhất định phải thông báo, đăng ký với cơ quan chức năng để lưu giữ di chúc được lập trên mạng tương tự như thừa phát lại lập vi bằng sau đó phải đăng ký ở Sở Tư pháp như hiện nay.
Trong thời đại số hiện nay, việc xem xét, công nhận lập di chúc qua mạng xã hội là cần thiết, nhất là trong các tình huống dịch bệnh, thiên tai có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Việc công nhận di chúc qua mạng xã hội là vấn đề rất mới vì vậy các cơ quan chức năng cần quan tâm, nghiên cứu để có thể áp dụng trong thực tế cuộc sống. Bởi lẽ, khi xã hội số ngày phát triển, các mối quan hệ xã hội ngày càng đa dạng, phong phú thì cần quy định pháp luật cần dự lường, đón đầu để bắt kịp sự tiến bộ xã hội. Điều này không những góp phần làm cho xã hội phát triển nhanh chóng, bền vững mà còn đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức được tốt hơn./.