4 bước để sáng tạo bài học minh họa

GD&TĐ - Theo cô Bùi Thị Kim Chi – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (TP Lào Cai), để thiết kế được một bài dạy minh họa phục vụ trong buổi sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học giáo viên cần thực hiện theo 4 bước.

Một buổi sinh hoạt chuyên môn của Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (TP Lào Cai)
Một buổi sinh hoạt chuyên môn của Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (TP Lào Cai)

Bước 1: Khuyến khích giáo viên soạn bài với ý định sáng tạo vì học sinh chứ không vì sách giáo khoa và nhà quản lý (Chấp nhận việc giáo viên có thể thay đổi toàn bộ ngữ liệu so với sách giáo khoa mà vẫn đảm bảo đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng).

Đối với những bài có ngữ liệu không phù hợp với đối tượng học sinh cần thay đổi mà vẫn đảm bảo mục tiêu. Chẳng hạn như: Ngữ liệu của bài luyện từ và câu "Từ trái nghĩa" được biên soạn như sau: Phrăng Đơ Bô-en là một người lính Bỉ trong đội quân Pháp xâm lược Việt Nam. 

Nhận rõ tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược, năm 1949, ông chạy sang hàng ngũ quân đội nước ta, lấy tên Việt là Phan Lăng. Năm 1986, Phan Lăng cùng con trai đi thăm Việt Nam, về lại nơi ông đã từng chiến đấu vì chính nghĩa.

Hay như giáo viên thay ngữ liệu: "Trong khu rừng kia có một đôi bạn chơi với nhau rất thân nhưng tính tình lại trái ngược nhau. Cò thì chăm chỉ, chịu khó còn Vạc thì lười biếng."

Bước 2: Tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo mô hình mới để giáo viên trong trường dự giờ. Khi dự giờ khuyến khích giáo viên quan sát sâu, rộng (quan sát thực tế học tập của học sinh, quan sát cử chỉ, thái độ, nét mặt, hoạt động của học sinh; chỗ nào học sinh học tốt, chỗ nào học sinh chưa học tốt; em nào học được, em nào chưa học được...).

Thực tế tiết dạy minh họa giúp người dự, người dạy thấy rõ ý thức, thái độ, phản ứng của học sinh từ đó nghiên cứu, xây dựng cách thức đáp lại phản ứng đó, xem xét lại cách tổ chức hoạt động học tập.

Thông qua dự giờ giáo viên dạy minh họa, mỗi giáo viên có cơ hội nhìn lại chính mình trong quá khứ. Có thể họ cũng đã trải qua tình huống tương tự như vậy, họ đã phản ứng thế nào khi đó và họ làm thế nào với tình huống tương tự trong tương lai.

Bước 3: Thảo luận về các tình huống diễn ra trong tiết dạy để tìm ra nguyên nhân của tình huống học sinh học tốt, nguyên nhân tình huống học sinh học chưa tốt.

Lắng nghe người dự chia sẻ giúp cho giáo viên dạy nhận ra những lỗ hổng trong khi thực hiện giờ dạy như: vô tình bỏ quên học sinh, không biết học sinh có quan tâm đến bài học hay không hoặc trách mắng học sinh mà không quan tâm xem các em có gặp phải khó khăn và cần hỗ trợ gì?

Theo đó, giáo viên nên cùng trao đổi với người dự giờ để tìm ra các giải pháp khắc phục khó khăn của học sinh qua tiết học.

Bước 4: Thiết kế (sáng tạo) lại bài học trên cơ sở suy ngẫm của cá nhân sau khi xem lại băng hình tiết dạy cùng với những ý kiến trao đổi, chia sẻ của người dự giờ. Đây là bước quan trọng nhất, đòi hỏi giáo viên mạnh dạn, sáng tạo để điều chỉnh nội dung sách giáo khoa, thay đổi phương pháp dạy học đảm bảo tất cả học sinh được học và việc học thực sự có ý nghĩa.

Sau dự giờ và nghe đồng nghiệp chia sẻ, mỗi giáo viên xây dựng lại một thiết kế bài học để khắc phục các tình huống khó khăn học sinh gặp phải trong giờ học. Thảo luận chia sẻ trong nhóm hoặc trong toàn trường về thiết kế đã sáng tạo và phân tích nguyên nhân tại sao sáng tạo lại hoạt động đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ