Để làm người dẫn đường tin cậy, theo cô Chi cần không ngừng học hỏi, nghiên cứu và nâng cao tri thức.
Người “đi ngang”
Năm 1985, thời điểm mà nhiều giáo viên không trụ lại được với nghề vì khó khăn, nữ sinh Lê Thị Giao Chi, Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), vẫn quyết tâm theo nghề sư phạm chỉ để thỏa ước mơ được làm giáo viên như mẹ mình ngày xưa.
Tốt nghiệp thủ khoa khoa Sư phạm tiếng Anh đầu tiên và được giữ lại giảng dạy tại cơ sở ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Đà Nẵng, cô Chi tâm niệm: “Lựa chọn con đường ở lại trường làm giảng viên cũng là cách để tôi tri ân những gì tốt đẹp mà mình từng nhận được bởi sẽ có điều kiện để hỗ trợ những thế hệ sau thông qua con đường giáo dục”.
Cô học trò nghèo suốt những năm học phổ thông cứ một buổi đi học, buổi còn lại phải đi làm thêm, từ dạy kèm, bán bánh… để phụ giúp kinh tế cho gia đình. Cô Chi kể, cô nhớ mãi ân tình của người bạn học đã cho cô mượn quyển từ điển để sử dụng trong suốt 4 năm đại học.
Chọn theo nghề dạy học, cô Giao Chi xác định, SV sẽ là nhân tố làm nên bài học chứ không phải là người ngồi chờ đợi giảng viên truyền thụ một chiều. Mỗi bài giảng vì vậy không thể áp dụng giảng dạy cho nhiều khóa. Thậm chí, cùng một bài giảng nhưng mỗi giờ lên lớp ở các lớp học khác nhau, TS Lê Thị Giao Chi đã có cách tương tác với SV khác đi.
Năm 2002, cô Lê Thị Giao Chi học chương trình thạc sĩ tại Australia dù trước đó, đã tốt nghiệp thạc sĩ Ngôn ngữ Anh ở trong nước. Giải thích về lý do của sự “đi ngang” này, cô Chi cho biết: “Chọn hướng nghiên cứu theo con đường quản lý giáo dục, tôi muốn đứng trong đội ngũ chuyên môn để tạo sự lan tỏa ra xung quanh giúp phát triển chuyên môn, bồi dưỡng giáo viên trẻ... để họ có cái nhìn sâu rộng về người thầy, về quá trình học, quá trình dạy dưới góc nhìn quản lý giáo dục”.
Và bài học về việc học là phải vui, phải có tiếng cười, theo như cô Giao Chi, đã thay đổi toàn bộ quan niệm về cách dạy học của mình. “Người dạy phải tạo ra môi trường học mang tính hỗ trợ, xóa khoảng cách giữa người thầy và người trò. Vai trò của giảng viên khi đó là người hỗ trợ chứ không phải là người đứng trên bục giảng truyền thụ kiến thức một chiều mà phải có sự tương tác hai chiều. Sự nhìn nhận của mình về quá trình giảng dạy sẽ làm thay đổi cách mình dạy và cách đánh giá người học”.
Sứ mệnh của người truyền lửa
TS Lê Thị Giao Chi đã có một so sánh về nghề dạy học: “Nghề giáo cũng như người làm vườn, có chỗ em trồng hoa, có chỗ em trồng cây cảnh. Có loài cây chịu hạn, em không tưới nó cũng sống nhưng có loài em phải chăm tỉ mỉ, cẩn thận, có cây lớn nhanh nhưng cũng có cây lớn chậm. Cũng như học trò của mình, mỗi em có một điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình khác nhau.
Cũng như vậy, những HS vào trường này, có em vào đúng ngành học mình yêu thích nhưng cũng có em chỉ vì bố mẹ muốn học nghề này, có em vì không thể đi học xa mà phải chọn. Phải hiểu đối tượng HS của mình để có cách tác động như thế nào để các em đến trường là một niềm vui. Người giảng viên cũng phải chọn cho mình niềm vui khi đến trường mỗi ngày. Nghề mình theo đuổi mà mình không truyền được tình yêu nghề thì mình thất bại”.
Và trong suốt những tháng năm đi dạy của mình, cô Chi đã truyền cho những giáo viên tương lai không chỉ kiến thức mà cả tình yêu nghề, sự chuẩn mực trong tác phong sư phạm, những phương pháp dạy học tích cực… thông qua những ứng xử đối với các em, qua cử chỉ, ánh mắt của mỗi giờ lên lớp… Những điều này, theo như TS Giao Chi, đều không có trong giáo trình, bài soạn giảng cũng không thể hiện được cái tâm của người thầy như thế nào, ảnh hưởng đến nghề nghiệp sau này của các em ra sao.
“Người thầy phải làm sao để mỗi ngày SV đều có sự thôi thúc đến trường chứ không phải lên lớp chỉ vì sợ điểm danh. Và các em phải có gì đó mang về sau một ngày học”. Và cứ thế, cô Giao Chi truyền lửa cho SV những giá trị vô hình, để khi làm nghề, SV hiểu và yêu nghề bằng cả tấm lòng. Những giờ giảng của cô, vì vậy luôn gắn với hiện thực sinh động.
Đó có thể là những kinh nghiệm khi dịch thuật, những câu chuyện kể, là cách xử lý những tình huống mà không tiết học nào giống nhau. Nhờ vậy, kiến thức SV nắm được đôi khi xa hơn bài giảng. Thế nên, vẫn có những SV khóa trên xuống học “ké” với khóa dưới trong những giờ giảng của cô Chi.
Cô Chi chia sẻ: Ra trường cả chục năm, SV vẫn nhớ bài học của mình trên lớp, bởi các em là nhân tố làm nên bài học chứ không phải là người ngồi chờ đợi ở giảng viên. Mỗi SV, cô đều cho các em lập kế hoạch nghề nghiệp, như là một cách để SV đánh giá lại quá trình học, phân tích sở trường, sở đoản của mình để có cách bổ khuyết phù hợp… Cô luôn nhắn nhủ SV rằng, các em thành công bao nhiêu là tùy vào sự nỗ lực của bản thân, cô chỉ là người dẫn đường tin cậy để đích đến của SV là thành công.