Trong hệ thống giáo dục, giáo dục thể chất luôn gắn liền với giáo dục trí dục, đức dục, mỹ dục và giáo dục lao động. Đây cũng chính là đặc trưng cơ bản của giáo dục thể chất trong nhà trường.
Thể chất tốt – nền tảng phát triển toàn diện
Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao: Hoạt động rèn luyện thể chất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn phát triển của mỗi con người, đặc biệt ở lứa tuổi học sinh ở các mặt. Góp phần giữ gìn sức khỏe, nâng cao thể lực và tầm vóc phù hợp với độ tuổi, giới tính và đặc điểm sức khỏe cá nhân của từng học sinh.
Ngoài ra, hoạt động thể chất tạo dựng cơ sở cho sự phát triển năng lực thể chất toàn diện, hoàn thiện hình thái, củng cố sức khỏe và hình thành hệ thống kỹ năng, kỹ xảo vận động. Phát triển thể lực toàn diện, các kỹ năng vận động cơ bản và các năng lực vận động cốt lõi.
Trên cơ sở đó giáo dục các phẩm chất đạo đức, ý chí, hình thành văn hóa thể chất cá nhân và xây dựng lối sống lành mạnh.
Hiện nay, thời lượng của môn thể dục trong nhà trường nằm trong tổng thể của khung chương trình và nội dung giáo dục đối với mỗi cấp học, được bố trí để đáp ứng mục tiêu giáo dục nói chung và giáo dục thể chất nói riêng (tăng cường sức khỏe, phát triển thể lực toàn diện, trang bị kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản và hình thành thói quen tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên cho trẻ em, học sinh, góp phần giáo dục ý chí, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, lành mạnh cho trẻ em, học sinh).
Tương tự như các môn học văn hóa khác, muốn học giỏi, học sinh cần phải được trau dồi, bổ sung thêm những kiến thức khác ngoài nội dung cơ bản đã được dạy theo thời lượng được phân bổ của chương trình. Vì vậy, để có được những tác động tích cực đến sức khoẻ của mình, bên cạnh thời gian môn học giáo dục thể chất có tính bắt buộc, học sinh cần tích cực tham gia và dành thời gian thích hợp cho các hoạt động thể thao ngoại khóa trong và ngoài trường học.
Vai trò truyền lửa của giáo viên thể dục
Tại nhiều trường học, thể dục thường bị coi là “môn phụ” và học sinh chưa thực sự ý thức được vai trò của môn học với việc rèn luyện nâng cao sức khoẻ. Hiện trạng này đang được dần khắc phục bằng các biện pháp cụ thể, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực.
Ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng: Thực tế hiện nay, không ít giáo viên thể dục còn tâm lý ỷ lại, không có ý thức tìm tòi, đổi mới phương thức truyền tải nội dung giảng dạy cho học sinh.
Do đó, để thu hút sự quan tâm của học sinh đối với môn học, trước hết giáo viên cần thay đổi phương pháp giảng dạy, cách thức truyền đạt để truyền được cảm hứng cho học sinh. Điều này quyết định đến việc yêu thích của học sinh đối với môn học giáo dục thể chất, để cho người học cảm thấy hứng thú trong giờ học.
Giáo viên thể dục cần sử dụng hợp lý các loại dụng cụ, trang thiết bị phù hợp với điều kiện thực tế; khuyến khích việc kết với âm nhạc phù hợp làm “nền” tạo không khí vui tươi, hưng phấn, sự đam mê, yêu thích cho học sinh, sinh viên khi tập luyện thể dục thể thao. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện nghe nhìn, các tranh ảnh kỹ thuật, video clip để tổ chức các giờ học giáo dục thể chất và hoạt động thể thao ngoại khóa sinh động và hiệu quả.
Để giáo dục thể chất có chỗ đứng xứng đáng trong trường học và ý thức của học sinh và không bị coi là “môn phụ”, Ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng cần có sự thay đổi về nhận thức của gia đình và xã hội về vấn đề sức khỏe, vấn đề phát triển thể chất cho trẻ em, học sinh.
“Chúng ta cần phải nhận thức đúng đắn rằng, nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất cho con em mình cũng không kém phần quan trọng so với việc nâng cao kiến thức, tri thức văn hóa. Từ những thay đổi về mặt nhận thức chúng ta mới có được sự thay đổi trong hành động. Những thay đổi về chính sách đối với công tác giáo dục thể chất (về nội dung, chương trình, chế độ đãi ngộ đối với giáo viên thể dục…) cũng góp phần nâng cao vị thế môn học.”, Ông Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, để học sinh ý thức đúng giá trị, gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc xóa bỏ định kiến “thể dục là môn phụ”. Gia đình có thể giúp con em mình nhận thức đúng đắn về việc rèn luyện và nâng cao thể lực, tầm vóc thông qua các hoạt động TDTT, trả các chi phí cần thiết cho hoạt động giáo dục và rèn luyện thể chất của con em mình và động viên, khuyến khích con em mình tích cực tham gia các hoạt đội TDTT.
“Các thành viên trong gia đình giáo dục cho trẻ có được nhận thức đúng đắn về tác dụng của môn học thể dục và các hoạt động thể thao trong nhà trường đối với việc phát triển toàn diện cả về thể lực và trí lực cho con em mình. Trẻ sẽ yêu thích rèn luyện TDTT nếu ông bà, cha mẹ, các thành viên lớn trong gia đình gương mẫu tham gia các hoạt động này và cùng nhau duy trì thói quen thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao để nâng cao sức khoẻ, phát triển tầm vóc, thể lực và phòng chống bệnh tật.
Các bậc phụ huynh nên đầu tư thời gian, kinh phí, mua sắm dụng cụ, trang phục, đưa đón con em mình tham gia các hoạt động TDTT theo sở thích, nguyện vọng và năng lực, tạo điều kiện cho con em được tham gia các hoạt động TDTT để rèn luyện và phát triển thể chất.”, Ông Nguyễn Hồng Minh đưa ra lời khuyên.