Khi còn trẻ, bạn có thể sống mà không cần nhiều tiền, nhưng hãy nghĩ xa hơn khi về già, bạn không thể sống mà thiếu tiền được. Miệng ăn núi lở, có nhiều tiền mà chi tiêu lãng phí, không có kế hoạch thì cũng có ngày rỗng túi mà thôi.
Tiết kiệm là điều ai cũng biết nên làm. Thế nhưng có phải cứ chăm chăm vào việc tiết kiệm là tốt? Nếu bạn thấy mình là người vốn tằn tiện chi tiêu nhưng đời sống vẫn chưa nâng cao được thì hãy xem liệu mình có đang tiết kiệm sai không nhé!
Phiếu giảm giá, các loại voucher...
Khi việc làm ăn trở nên ngày càng khó khăn, các công ty phải không ngừng nghiên cứu, đổi mới để tăng khả năng cạnh tranh với các thương hiệu đối thủ.
Các chương trình khuyến mại được tung ra dưới nhiều hình thức như giảm giá, tặng voucher, mua 2 tặng 1... Tất cả đều nhằm tăng doanh thu bán hàng và đẩy nhanh việc tiêu thụ hàng tồn.
Tiết kiệm được một khoản nhờ các phiếu giảm giá là một hình thức mua hàng được xem là thông minh trong thời buổi hiện đại.
Tuy nhiên hãy nhớ rằng, các hình thức này đều được đưa ra dựa trên các nghiên cứu làm sao để đánh vào lòng tham của con người. Những chiếc phiếu kia sẽ thu hút sự ủng hộ của những người vốn ban đầu đầu không có ý định mua hàng hay sử dụng dịch vụ.
Bạn lướt web đọc báo và bỗng đập vào mắt là những thông tin về các voucher khuyến mại. Một chuyến du lịch trước đây có giá cả chục triệu giờ chỉ còn 7 triệu. Vậy chẳng phải là quá hời sao. Bạn bấm mua hàng rồi thanh toán luôn một cách không chần chừ.
Sự thật là, phiếu giảm giá hay voucher dễ khiến chúng ta vì tâm lý giá hời mà sa đà vào việc mua sắm nhiều thứ không cần thiết. Trước khi quyết định mua hàng giảm giá, hãy tỉnh táo nghĩ xem liệu mặt hàng đó không được khuyến mại thì bạn có cần nó không, bạn sẽ dùng nó vào việc gì.
Nếu không thể xác định rõ nhu cầu của mình, bạn đâm đầu vào tiết kiệm cũng khó có thể giữ được tiền.
Bên cạnh đó, có một sự thật là rất nhiều sản phẩm bán ra được đẩy lên một giá cao hơn rồi mới giảm giá. Bạn tưởng mình mua được món hàng giá hời song thực ra chẳng rẻ hơn thị trường là bao.
Chưa kể, giá cả không phải là điều duy nhất bạn nên quan tâm khi đứng trước sản phẩm.
Quá bận tâm tới giá cả sản phẩm
Quá bận tâm tới giá cả, chỉ chú trọng làm sao mua được sản phẩm giá thật rẻ để tiết kiệm chính là sai lầm trong chi tiêu của người nghèo.
"Tiền nào của nấy", câu nói ấy chính là để nói đến sự liên quan giữa giá cả và chất lượng. Nhiều người dùng chỉ nghĩ tới cái lợi trước mắt, mua hàng mà không quan tâm tới chất lượng và thời hạn sử dụng sản phẩm. Món đồ mà bạn tưởng mua được với giá hời đó hoàn toàn có thể khiến bạn nhanh chóng thất vọng vì chất lượng kém, nhanh phải thay thế.
Khác với người nghèo, người giàu thường cân nhắc tới giá trị và chất lượng của sản phẩm nhiều hơn là việc phải trả bao nhiêu tiền cho sản phẩm đó. Điều này cũng được họ áp dụng trong đầu tư thông qua việc cân nhắc tới triển vọng của việc gia tăng lợi nhuận trong tương lai. Một sản phẩm có chất lượng tốt, thời gian sử dụng dài sẽ tốt hơn là sản phẩm giá rẻ, kém chất lượng.
Ví dụ đơn giản như khi bạn mua một chiếc áo. Bạn thấy chiếc áo này chỉ có giá 99 nghìn, việc mua chúng sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản so với việc sắm chiếc áo 300 nghìn. Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng, chiếc áo khiến bạn bực bội vì giặt bị phai rồi sứt chỉ hay xù vải.
Đổi lại, chiếc áo giá 300 nghìn kia nghe có vẻ đắt nhưng chất lượng lại tốt hơn nhiều. Chưa kể mặc một chiếc áo tốt còn giúp bạn trở nên tự tin hơn trong giao tiếp.
Vì vậy, trong mua sắm, đừng quá bận tâm đến giá cả, hàng hóa có chất lượng cao sẽ giúp hạn chế việc phải thay đổi đồ mới, gây tốn kém chi phí.
Tiết kiệm, tiết kiệm và tiết kiệm
Nên nhớ rằng, chúng ta không thể tạo nên sự giàu có chỉ bằng cách tiết kiệm tiền. Nhiều người có tư tưởng ngay khi có tiền là phải dành dụm ngay, không dám ăn không dám tiêu nhưng thực sự đây lại không phải thói quen tốt giúp bạn làm giàu.
Hãy khiến tiền "đẻ" ra tiền. Đồng tiền chỉ có thể sinh lời khi bạn dùng chúng để đầu tư đúng cách. Những đồng tiền nhàn rỗi sẽ dễ khiến bạn tìm ra lý do để tiêu chúng. Người giàu sẽ luôn nghĩ làm sao để kiếm được nhiều tiền hơn, gia tăng được những gì đang có.
Bên cạnh đó, việc bỏ ra quá nhiều thời gian chỉ để nghĩ cách tiết kiệm tiền cũng chính là sự lãng phí. Có một chi phí gọi là chi phí cơ hội. Bạn chọn tiết kiệm bằng cách đi đến một cửa hàng xa hơn để mua được đồ rẻ hơn và nghĩ rằng chịu khó đi xa một chút, bỏ công thêm một chút, mình sẽ tiết kiệm được ngay 50 nghìn đồng.
Hãy nghĩ đến khoảng thời gian phải bỏ thêm để đi đến cửa hàng ở xa đó. Chi phí cơ hội ở đây chính là bạn chọn tiết kiệm 50 nghìn đồng thay vì việc có thể dùng 1 giờ đồng hồ đó để làm việc khác tăng thu nhập hay nghiên cứu cho những bước đi sắp tới.
Chưa kể, việc chỉ chú trọng đến tiết kiệm có thể khiến tầm nhìn của bạn trở nên hạn hẹp hơn. Hãy là người biết tiêu tiền, chi tiêu một cách thông minh.