3 nhóm F0 cần phải đi khám sau khi khỏi Covid-19

GD&TĐ - Theo các bác sĩ, nếu không có triệu chứng quá đặc biệt, F0 khỏi bệnh sau 1 tháng kết thúc cách ly thì nên tái khám. Trường hợp có triệu chứng hậu Covid-19 thì nên đi sớm hơn để phát hiện sớm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo BS Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy Cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng, thành viên chủ chốt "nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc, điều trị F0 tại nhà" cho biết, Tư vấn và khám hậu Covid-19 là nhu cầu rất lớn. Trong những ngày Tết, bác sĩ phải trả lời tới hơn 60 trường hợp cả F0 đang điều trị lẫn hậu Covid-19.

Còn theo TS-BS Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng Hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, người lớn tuổi, người có nhiều bệnh nền (tăng huyết áp, suy tim, tiểu đường, hen, COPD…) là những đối tượng đầu tiên dễ mắc di chứng hậu Covid-19.

Những bệnh nhân trong giai đoạn cấp tính khi nhiễm Covid-19 có nhiều triệu chứng, thường từ 5 triệu chứng trở lên hoặc có những xét nghiệm bất thường trong giai đoạn dương tính (rối loạn đông máu, mức độ viêm cao, bão cytokine…) và những đối tượng phải nằm viện điều trị hồi sức cấp cứu do bệnh nặng cũng sẽ có nguy cơ cao mắc di chứng hậu Covid-19.

Những bệnh nhân phải nhập viện điều trị, thở máy thường khi được xuất viện sẽ chưa hết dứt điểm viêm phổi hay rối loạn đông máu. Vì vậy, người nhà cần lưu ý theo dõi triệu chứng thường xuyên để chăm sóc cho nhóm đối tượng này và nên đưa họ đi khám hậu Covid-19 càng sớm càng tốt.

Hiện nay, chưa có định nghĩa chính xác rằng còn triệu chứng bao lâu sau nhiễm Covid-19 thì được gọi là hậu Covid-19. Tuy nhiên, những bệnh nhân xuất hiện triệu chứng hậu Covid-19 sau 1 tháng nên đi khám để kiểm tra sức khỏe tổng quát, đặc biệt nếu triệu chứng kéo dài đến 3 tháng và khác thường so với các vấn đề của bệnh nền vốn có, cần phải đi khám sớm nhất có thể để điều trị kịp thời, bác sĩ Vinh khuyến cáo.

Thông tin trên báo chí, BS Đinh Thế Tiến - khoa Nội tổng hợp thuộc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, một trong 12 nhân viên y tế tham gia phòng khám hậu Covid-19 của viện này - cho biết ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, lượng F0 khỏi bệnh đến khám khá nhiều.

Theo bác sĩ Đinh Thế Tiến (khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Đức Giang) giải thích, Covid-19 gây viêm tế bào và làm tổn thương mất - bù, kiệt năng lượng ở các tế bào cơ tim, tế bào hô hấp... Hệ quả là cơ thể trở nên mệt mỏi sau khi khỏi Covid-19. Kết hợp với tâm lý căng thẳng, lo lắng khi trở thành F0, các ảnh hưởng này bị khuếch đại và gây ra nhiều triệu chứng như hụt hơi, mệt mỏi, cảm giác thiếu năng lượng hậu Covid-19.

Phần lớn người mắc di chứng đến phòng khám hậu Covid Bệnh viện Đa khoa Đức Giang khám đều ở tuổi trưởng thành và có nhiều bệnh nền, số ít là trẻ em. Trong đó, nhiều người từng mắc Covid-19 thể nhẹ, sau khi khỏi thì có các triệu chứng nặng hơn như mệt mỏi, khó thở, bồn chồn, không thể làm việc tay chân và trí óc... Một số người có bệnh nền như cao huyết áp, tiểu đường, các bệnh này nặng lên và khó kiểm soát hơn. Một ngày, phòng khám hậu Covid-19 của bệnh viện khám hơn 15 người mắc di chứng.

Bệnh nhân đến khám có nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau, có người cảm thấy sức khỏe ổn định đến để kiểm tra tổng quát, có trẻ em được bố mẹ cho đi khám cùng, trong khi cũng có nhiều bệnh nhân đến với nhiều triệu chứng.

BS Tiến cho hay, chủ yếu bệnh nhân khám vì những triệu chứng hô hấp và tâm lý như lo lắng, mất ngủ, mệt mỏi.

Theo BS Tiến, một số nhóm F0 sau khi khỏi bệnh (âm tính) cần lưu ý vấn đề khám hậu Covid-19 như:

- Nhóm người có bệnh nền (như tăng huyết áp, mạch vành, đái tháo đường, rối loạn chuyển hoá...);

- Nhóm người từ 60 tuổi trở lên bởi họ có nguy cơ có nhiều bệnh đồng mắc chưa khởi phát nhưng sau khi mắc Covid-19 có thể thúc đẩy tình trạng nặng hơn;

- Nhóm người phải nhập viện khi mắc Covid-19 (bị suy hô hấp, phải can thiệp thở oxy trở lên, sốt cao phải nhập viện…).

Theo BS Tiến, nếu không có triệu chứng quá đặc biệt, sau 1 tháng kết thúc cách ly thì nên tái khám. Trường hợp có triệu chứng hậu Covid-19 thì nên đi sớm hơn để phát hiện sớm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ