3 nguyên nhân dẫn đến trạng thái kích động

Kích động là trạng thái hưng phấn tâm lý vận động quá mức 

Trạng thái kích động dễ dẫn đến hậu quả nguy hại (ảnh minh họa).
Trạng thái kích động dễ dẫn đến hậu quả nguy hại (ảnh minh họa).

Với những hoạt động hỗn độn bằng các cử chỉ xung động, giận dữ, hung hãn. chúng xuất hiện một cách đột ngột, không có mục đích rõ ràng, không thích hợp với hoàn cảnh và thường mang tính chất phá hoại, gây nguy hiểm.

Ẩu đả là hiện tượng thường xảy ra ở một số nơi; đặc biệt là tại các đô thị lớn có sinh hoạt ồn ào, náo nhiệt và thường tập trung ở đối tượng thanh thiếu niên do trạng thái kích động không kiềm chế được dẫn đến hậu quả. Ngoài hiện tượng hay xảy ra trong xã hội, hiện nay trạng thái kích động cũng đã xuất hiện ở trường học với những vụ bạo lực học đường.

Kích động do phản ứng

Loại kích động này hay xảy ra khi con người có trạng thái bất bình, giận dữ trước những sự việc, lời nói, thái độ không vừa ý của bản thân mình. Đồng thời, cũng thường xảy ra trước những dụng ý hoặc hành vi nạt nộ, áp bức, hăm dọa, yêu sách của người khác. Ngoài ra chúng cũng có thể xuất hiện trong các trường hợp bị sang chấn tâm thần mạnh, sự lo lắng và sợ hãi trước những ảo giác rùng rợn hay trạng thái hoang tưởng bị người khác truy sát, hãm hại...

Kích động do bệnh lý của cơ thể

Đây là trạng thái thường gặp do các nguyên nhân từ hệ thần kinh trung ương. Kích động có thể là dấu hiệu khởi phát của tình trạng xuất huyết màng não, viêm não... Đồng thời cũng là nguyên nhân của hiện tượng nhiễm độc ở giai đoạn khởi phát. Các thuốc điều trị, đặc biệt là thuốc hướng thần và rượu khi gây ngộ độc đều có thể gây nên trạng thái bị kích động trước khi xảy ra hôn mê.

Kích động do tính chất đặc biệt của bệnh tâm thần

Một số bệnh tâm thần có thể gây nên trạng thái kích động. Kích động có thể xảy ra ở người bệnh loạn thần hưng cảm nếu tình trạng hưng cảm kéo dài dẫn đến sự suy kiệt kèm theo hiện tượng nhiễm độc, nhiễm khuẩn, xơ mạch; xảy ra trên cơ địa người già, hoang tưởng bị phạm tội trầm trọng. Bệnh tâm thần phân liệt đôi khi cũng bị kích động và thường mang tính chất xung động đột ngột, không lường trước được; xảy ra một cách lạ lùng, khó hiểu, nhiều khi rất nguy hiểm. 

Đồng thời trạng thái kích động có thể xuất hiện do biến chứng nhiễm độc, nhiễm khuẩn; do thái độ không thích hợp của những người chung quanh và do hoang tưởng vì tình trạng ảo giác chi phối. Động kinh có rối loạn tâm thần gây kích động thường do tính cách dễ thay đổi, dễ xung đột với những người chung quanh; dễ có trạng thái bùng nổ xuất hiện đột ngột kèm theo rối loạn ý thức và trong trạng thái rối loạn ý thức ấy có thể có cơn kích động dữ dội, hung bạo, phá hoại mọi trở lực ngăn cản; cuối cùng cơn kích động mất đi cũng đột ngột và sau cơn kích động người bị lên cơn có thể quên đi tất cả.

Trạng thái kích động cũng thường hay gặp ở những người có nhân cách bùng nổ, chống đối xã hội. Người bị kích động có hành vi đập phá, phá hủy tất cả những gì có trong tầm tay. Tình trạng kích động xuất hiện một cách đột ngột do sự bất toại, loại kích động này được tăng cường hỗ trợ thêm khi sử dụng các chất ức chế như rượu.

Nếu trạng thái kích động bị hỗn độn với các nét định hình xuất hiện ở người lớn tuổi có rối loạn trí nhớ thì có thể là biểu hiện của một giai đoạn kích động của người bệnh sa sút nặng. Ngoài ra, một vài yếu tố thực thể có thể làm nặng thêm sự kích động ở những bệnh nhân sa sút. Trong các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc; chủ yếu các trường hợp kích động xảy ra trong trạng thái mê sảng, kích động dữ dội và thường là phản ứng trước trạng thái ảo giác rùng rợn, ghê sợ kèm theo tình trạng rối loạn chức năng thực vật nội tạng.

Lời khuyên của thầy thuốc

Khi người có trạng thái bị kích động, thái độ cần thiết của người thân và những người chung quanh là phải bình tĩnh, nhẹ nhàng, ân cần, không nên để xảy ra tình trạng bị kích thích thêm. Đồng thời, nhanh chóng đưa người bị trạng thái kích động nặng đến cơ sở y tế để xử trí phù hợp, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Phải dùng biện pháp tâm lý khuyên nhủ, động viên người bị kích động nặng đến cơ sở y tế, nếu trường hợp không chịu đi phải nhờ thêm các người khác hỗ trợ.

Theo Sức khỏe & Đời sống

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ