Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Giáo dục & Thời đại đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Hữu Công - Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên.
* Nhiều người lo ngại việc tổ chức các cụm thi ở địa phương có thể dẫn đến tình trạng coi thi và chấm thi "nới tay" hơn vì ít nhiều bị ảnh hưởng tâm lý con em địa phương. Quan điểm của PGS về vấn đề này như thế nào?
- Sẽ không có chuyện này xảy ra, bởi không phải là học sinh trường A thi ngay tại trường A và giáo viên trường đó coi thi. Ngoài đội ngũ giáo viên phổ thông, còn có lực lượng giảng viên, thanh - kiểm tra và nhiều bộ phận giám sát.
Hơn nữa, bài thi của các em đều được cắt phách nên mọi người khá yên tâm về công tác chấm thi. Tôi cho rằng, nếu chúng ta làm tốt tất cả các khâu từ công tác chỉ đạo đến việc thực thi các nhiệm vụ thì mọi vấn đề sẽ không có gì phải lo ngại.
* Vậy theo PGS, trong tất cả các khâu liên quan đến kỳ thi, đâu là khâu quan trọng nhất?
- Để đảm bảo chất lượng và kỳ thi có thành công hay không thì khâu quan trọng số 1 là công tác coi thi. Tiếp đến là làm phách và thứ ba là chấm thi và tổng hợp điểm. Ở tất cả các khâu cần phải thực hiện tuân thủ theo quy trình và quy chế.
* Tại Thái Nguyên, các khâu này sẽ được thực hiện như thế nào - thưa PGS?
- Về công tác coi thi chúng tôi làm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Riêng về làm phách, chúng tôi yêu cầu đảm bảo tuyệt mật. Theo đó, toàn bộ cán bộ làm phách đều được thực hiện ở phòng riêng.
Ở khâu chấm thi cũng sẽ được đảm bảo nghiêm ngặt, sẽ có công an, lực lượng kiểm tra giám sát.
* Vậy bài thi sẽ được thực hiện như thế nào - thưa PGS?
- Chúng tôi chủ yếu sử dụng giảng viên đại học chấm. Nếu cần thiết sẽ trưng tập giáo viên phổ thông thông qua Sở GD&ĐT giới thiệu. Thực ra, nếu muốn khâu chấm thi chặt chẽ, hiệu quả thì phải quản lý khâu làm phách thật chặt. Đây cũng là vấn đề mà chúng tôi đặc biệt quan tâm, chú trọng.
* Xin cảm ơn PGS!