Theo Ths. Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc TT Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, sự tăng trưởng chiều cao của trẻ có 3 giai đoạn quan trọng nhất. Đó là: Giai đoạn trong bào thai, giai đoạn dưới 2 tuổi và giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì (trẻ trai: 13-16 tuổi, trẻ gái 10-13 tuổi).
3 giai đoạn quan trọng để trẻ phát triển chiều cao là giai đoạn trong bào thai, giai đoạn dưới 2 tuổi và giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì. Ảnh minh họa
Cũng theo Ths Lê Thị Hải, nếu trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai, đẻ ra nhẹ cân, thiếu chiều cao thì sau này cũng khó mà cao được. Hoặc giai đoạn dưới 2 tuổi trẻ bị suy dinh dưỡng nhất là suy dinh dưỡng thể thấp còi thì nguy cơ thấp chiều cao sau này là rất lớn (vì chiều cao của trẻ lúc 2 tuổi bằng ½ chiều cao của trẻ lúc trưởng thành). Và giai đoạn dậy thì cũng rất quan trọng, ở giai đoạn này trẻ có thể tăng 10 -15 cm/năm. Nếu trẻ được chăm sóc dinh dưỡng tốt và tập thể dục thể thao như: chạy, bơi lội, tập xà… thì có thể cải thiện được chiều cao rất tốt.
Ngoài ra, chiều cao còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, gồm: yếu tố di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống, tình trạng bệnh tật và vấn đề luyện tập thể dục thể thao. Đã có nhiều công trình nghiên cứu chứng minh dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng với sự phát triển chiều cao của trẻ. Để có sự tăng trưởng chiều cao liên tục, cơ thể trẻ cần được nhận đầy đủ năng lượng cần thiết hàng ngày, trẻ có tăng cân tốt thì mới tăng chiều cao được.
Ngoài vấn đề năng lượng thì những vi chất dinh dưỡng đã được các nhà khoa học chứng minh là có liên quan đến tăng trưởng chiều cao đó là: Vitamin A, Vitamin D, lysin, canxi, sắt, kẽm, iốt.
Vitamin D có vai trò rất quan trọng trong chuyển hóa, canxi và phốtpho là hai khoáng chất quan trọng để phát triển xương. Nếu thiếu Vitamin D thì ruột sẽ không thể hấp thu được canxi và phốtpho dẫn đến trẻ bị còi xương mà còi xương ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển chiều cao.
Vitamin D có rất ít trong thức ăn, nguồn Vitamin D chủ yếu là do tự tổng hợp được khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Vậy nên một đứa trẻ dù có uống nhiều sữa nhưng suốt ngày bị nhốt trong nhà không được tắm nắng để tổng hợp Vitamin D thì canxi không thể hấp thu được, mà canxi là yếu tố quan trọng để phát triển chiều cao.
Vitamin D có vai trò rất quan trọng trong chuyển hóa, canxi và phốtpho là hai khoáng chất quan trọng để phát triển xương. Ảnh minh họa
Vitamin A cũng giúp cho sự tăng trưởng của xương, giúp tăng cường miễn dịch trẻ ít bị ốm đau thì có cơ hội để cao lớn hơn. Một yếu tố vi lượng rất quan trọng để phát triển chiều cao của trẻ đó là kẽm, kẽm tham gia vào rất nhiều thành phần các enzyme trong cơ thể giúp tăng tổng hợp protein, phân chia tế bào, thúc đẩy sự tăng trưởng, trẻ em thiếu kẽm thường biếng ăn, còi cọc và chậm lớn. Iốt là thành phần của nội tiết tố tuyến giáp, nội tiết tố này có vai trò thúc đẩy sự tăng trưởng của cơ thể, khi thiếu iốt trẻ sẽ bị thiểu năng tuyến giáp có thể bị lùn do suy giáp trạng.
Ngoài việc cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, trẻ muốn cao lớn còn phải được ngủ đủ giấc, nhất là giấc ngủ ban đêm. Hormon tăng trưởng do tuyến yên tiết ra cao nhất là vào ban đêm khoảng 11 – 12 giờ đêm khi mà trẻ đã ngủ say, cho trẻ em ngủ quá muộn, ngủ nhiều ban ngày thì lượng hormon tiết ra rất ít, trẻ thường chậm lớn, chậm phát triển chiều cao.
Một số yếu tố khác cũng liên quan đến phát triển chiều cao đó là môi trường sống, bệnh tật và đặc biệt là vấn đề vận động thể lực. Một đứa trẻ không thể cao lớn được trong một môi trường sống ô nhiễm (khói thuốc lá, khói than tổ ong, khói xe, bụi…) thường xuyên bị bệnh tật ốm đau và suốt ngày bị giữ trong nhà.