3 điều cần lưu ý khi đổi mới nội dung dạy văn học trong các trường sư phạm

GD&TĐ - GS.TS Lã Nhâm Thìn - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh, 3 điều cần lưu ý khi đổi mới nội dung dạy học văn học ở các trường đại học sư phạm.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thực hành nghiệp vụ sư phạm.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thực hành nghiệp vụ sư phạm.

Thứ nhất, không nặng về kiến thức cụ thể mà chú trọng kiến thức mang tính vấn đề. Không nặng về hiện tượng văn học mà chú trọng những vấn đề văn học. Nếu dạy học những kiến thức cụ thể thì rất nhiều, mà càng nhiều lại càng thiếu. Bởi kiến thức cụ thể là vô vàn, sự vật hiện tượng lại luôn vận động, biến đổi, phát triển, luôn nảy sinh những kiến thức mới.

Nội dung dạy học mang tính vấn đề vừa nắm bản chất, quy luật của đối tượng, vừa khơi gợi những suy nghĩ mới, tạo năng lực giải quyết những vấn đề mới được đặt ra. Phần Văn học không cấu tạo chương trình và nội dung dạy học theo lịch sử văn học như trước đây mà cấu tạo chương trình, nội dung dạy học theo các vấn đề văn học.

Điều này sẽ tương thức với dạy học Ngữ văn ở phổ thông theo Chương trình Ngữ văn 2018 khi Chương trình lấy trục đọc hiểu văn bản theo thể loại/kiểu văn bản là chính để triển khai các nội dung dạy học viết, nói và nghe.

Với quan điểm đại học sư phạm cần đi cùng và đi trước phổ thông, ngay từ năm 2014, chương trình và nội dung dạy học ở khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã có sự thay đổi: phần Văn học gồm Văn học Việt Nam (văn học dân gian, văn học trung đại, văn học hiện đại Việt Nam) và Văn học nước ngoài đã không theo lịch sử văn học mà theo các vấn đề văn học.

Ví dụ, Văn học trung đại Việt Nam có các học phần “Dẫn luận văn học trung đại Việt Việt Nam” (đại cương những vấn đề chung), Khuynh hướng văn học và loại hình tác giả, Hệ thống thể loại và ngôn Ngữ văn học; Văn học nước ngoài gồm các học phần: Các thể loại và tác gia tiêu biểu văn học châu Á, Các thể loại và tác gia tiêu biểu văn học Tây Âu - Mĩ, Các thể loại và tác gia tiêu biểu văn học Đông Âu - Nga.

Các phần Văn học dân gian, Văn học hiện đại Việt Nam cũng có cấu trúc nội dung tương tự. Có thể thấy ở các phần Văn học Việt Nam hay Văn học nước ngoài, vấn đề hệ thống thể loại, khuynh hướng cảm hứng và tác giả giữ vị trí trọng tâm trong nội dung dạy học.

Ảnh minh họa/internet.

Ảnh minh họa/internet.

Thứ hai, các học phần của khoa học cơ bản có nội dung phương pháp giảng dạy chứ không đơn thuần chỉ là nghiên cứu khoa học cơ bản. Ví dụ trong Chương trình Sư phạm Ngữ văn của khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hiện nay, ở học phần Hệ thống thể loại và ngôn Ngữ văn học trung đại Việt Nam, bên cạnh những nội dung thuộc về khoa học cơ bản:

Chương 1: Hệ thống thể loại văn học trung đại Việt Nam,

Chương 2: Hệ thống ngôn Ngữ văn học trung đại Việt Nam, còn có nội dung về phương pháp dạy học.

Chương 3: Phương pháp đọc văn bản văn học trung đại Việt Nam. Điều này nhằm phát huy tác dụng của nghiên cứu khoa học cơ bản đối với công tác đào tạo, đồng thời giúp cho sinh viên vận dụng những điều đã học ở đại học khi ra trường làm giáo viên dạy học ở phổ thông.

Thứ ba, cần chú ý nội dung dạy học mang tính chất liên ngành. Nên dành tỉ lệ thời gian thích hợp (khoảng từ 15 đến 30 tiết) cho các học phần về sử học, về nghệ thuật học trong chương trình Ngữ văn sư phạm.

Những lí do của đề xuất này: Về mặt khoa học, văn học liên quan mật thiết với lịch sử, văn hóa và các loại hình nghệ thuật khác. Về mặt thực tiễn, những hiểu biết và vận dụng hiểu biết về lịch sử và các ngành nghệ thuật khác rất thiết thực đối với sinh viên ngành Ngữ văn sư phạm khi ra trường lập nghiệp bằng nghề dạy học, hoặc ngành nghề khác có liên quan tới văn học, nghệ thuật.

Về hướng nghiệp sư phạm, đáp ứng yêu cầu của Chương trình Ngữ văn 2018 như: Thứ nhất, biết vận dụng kiến thức tiếng Việt và kiến thức về bối cảnh lịch sử, xã hội, tư tưởng, triết học và quan niệm thẩm mĩ của các thời kì để hiểu các văn bản khó hơn (thể hiện qua dung lượng, độ phức tạp và yêu cầu đọc hiểu),

Thứ hai, nhận biết được đặc trưng của hình tượng văn học và một số điểm khác biệt giữa hình tượng văn học với các loại hình tượng nghệ thuật khác (hội hoạ, âm nhạc, kiến trúc, điêu khắc).

Phương pháp dạy học phát triển năng lực của sinh viên với năng lực nghiên cứu và năng lực giảng dạy là vấn đề mấu chốt trong các trường sư phạm. Để phát triển năng lực nghiên cứu của sinh viên, giảng viên cần dạy sinh viên phương pháp nghiên cứu khoa học tìm hiểu bản chất, quy luật của một hiện tượng văn học hơn là phương pháp trang bị những kiến thức cụ thể. Tìm hiểu bản chất, quy luật của đối tượng, vừa khơi gợi những suy nghĩ mới, vừa tạo năng lực giải quyết những vấn đề mới được đặt ra.

Cần vận dụng phương pháp nghiên cứu trường hợp (Case study) để nghiên cứu sâu một hiện tượng có tính chất tiêu biểu, điển hình cho nhiều trường hợp khác, để qua “điểm” thấy “diện” và ngược lại “diện” được khái quát từ “điểm” là cách làm khoa học.

Phương pháp dạy học để phát triển năng lực giảng dạy cho sinh viên đã được thể hiện trong Chương trình Sư phạm Ngữ văn của khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội với những đổi mới qua các học phần: Lí luận và phương pháp dạy học môn Ngữ văn, Dạy học nói viết theo quan điểm giao tiếp, Xây dựng phiếu học tập trong hoạt động đọc hiểu.

Có thể thấy phương pháp dạy học đã gắn với những hoạt động dạy học ở phổ thông, chú ý các phương pháp dạy học đọc, viết, nói và nghe. Giảng viên ở đại học sư phạm đào tạo giáo viên dạy học ở phổ thông, trước khi đứng trên giảng đường thì phải đã từng, đang còn, sẽ tiếp tục xuống với phổ thông.

Theo GS.TS Lã Nhâm Thìn, giảng viên gắn bó với phổ thông không chỉ trên giáo trình, sách vở mà còn gắn bó bằng những hoạt động thực tiễn. Cần có những chuyên đề về phổ thông theo định kì hàng năm ở các đơn vị đào tạo trong trường sư phạm. Tăng cường hướng dẫn sinh viên tự học, thay vì giảng viên thuyết giảng nhiều như hiện nay. Nhấn mạnh việc tự học của sinh viên là vấn đề không mới. Điều quan trọng là ở chỗ phải có đủ cơ sở vật chất (thư viện, tài liệu, mạng Internet...), có phương pháp hướng dẫn, đánh giá kết quả tự học của sinh viên để việc tự học trở thành một nhu cầu thiết thực đối với sinh viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ