Cứu tinh của bệnh nhân Parkinson
Bà Mel người Anh được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson khoảng 9 năm trước. Giống như đa số các bệnh nhân Parkinson khác, thỉnh thoảng đôi chân của bà bị đông cứng khi đang di chuyển.
“Giống như là có ai đó rút cạn năng lượng của tôi và tôi chẳng khác gì một cỗ máy bị rút phích cắm nguồn. Một lần, tôi mắc kẹt ở ga tàu điện phố Baker trong khoảng 1 tiếng 15 phút vì đôi chân tê dại không đi lại được.
Với tình trạng ấy, tôi chẳng thể nhảy lên chuyến tàu nào và không thể thoát ra khỏi ga tàu. Tôi thậm chí chẳng thể nói một cách tròn vành rõ tiếng với người xung quanh nữa”, bà Mel kể lại tình huống bước đi bị đông cứng.
Bà Mel chỉ là một trong số khoảng 6,5 triệu người bệnh Parkinson trên thế giới rơi vào tình cảnh bước đi bị đông cứng khiến bệnh nhân không thể di chuyển theo ý muốn. Đây là một biểu hiện khi bệnh tiến triển nặng.
Triệu chứng này có thể kéo dài vài giây đến vài phút hoặc cả tiếng và thường xảy ra khi bệnh nhân bị căng thẳng do gặp phải môi trường không quen thuộc hoặc khi thuốc điều trị hết tác dụng.
Do chân không thể di chuyển được trong khi phần trên của cơ thể vẫn tiếp tục hướng về phía trước nên bệnh nhân cảm thấy rất bất tiện hoặc có thể bị mất thăng bằng và ngã xuống. Điều này vô cùng nguy hiểm vì trong nhiều trường hợp, những cú ngã nhào còn đe dọa tới tính mạng của người bệnh.
Nguyên nhân gây nên tình trạng đông cứng bước đi là do người bệnh bị thiếu dopamine (một chất truyền dẫn thần kinh) ảnh hưởng tới sự di chuyển.
Nhưng giờ đây, bà Mel và những người cùng cảnh ngộ với mình không còn phải lo gặp lại tình huống bước đi bị đông cứng nữa khi một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại London của Anh đã cho ra mắt một sản phẩm có khả năng giúp người mắc bệnh Parkinson tránh được tình trạng trên. Đó là một đôi giày laser.
“Bố của tôi sống chung với căn bệnh Parkinson và ông phải vật lộn với tình trạng bước đi bị đông cứng trong nhiều năm. Tình trạng đó của ông không tiến triển gì trong suốt quá trình điều trị với thuốc. Bởi thế, bố rất tuyệt vọng.
Triệu trứng bước đi bị đông cứng khiến ông phải vật lộn cực khổ trong cuộc sống. Nhìn bố như thế, tôi muốn sáng tạo ra một sản phẩm gì đó có thể hỗ trợ và đem lại sự thoải mái cho bố”, Liser Pape, Người sáng lập Start-up Walk With Path chia sẻ.
Sản phẩm giày laser của Liser Pape, sinh viên đang theo học ngành kỹ thuật thiết kế cải tiến tại Trường Nghệ thuật, Đại học Hoàng gia London, Anh, dựa trên một hiện tượng rất đặc biệt của bệnh nhân Parkinson. Đó là khi họ tập trung nhìn vào một đối tượng trên nền đất, chẳng hạn như những đường kẻ giữa các viên đá lát nền (được gọi là ám hiệu thị giác) và bước về phía chúng thì các vi mạch điện sinh học ở não sẽ được hoạt hóa.
Điều này giúp họ có thể vượt qua được tình trạng đông cứng và tiếp tục bước về phía trước. Nhưng những ám hiệu thị giác này không phải lúc nào cũng có sẵn.
Tạo ám hiệu thị giác, dẫn lối
Cô sinh viên Liser đã tận dụng hiện tượng này và đưa chúng vào những đôi giày laser của mình. “Chúng tôi gắn vào phía dưới chiếc đèn laser một vòng dây da. Chiếc vòng này sau đó được lồng vào phía ngoài mũi giày của giày trái và phải của người bệnh. 2 chiếc đèn này sẽ tạo ra một đường kẻ trực quan màu xanh phía trước người đi giày”, Liser Pape giải thích.
Giày laser
Giày laser giúp tạo ra những đường kẻ nganh màu xanh trên mặt đất giúp hoạt hóa vi mạch điện sinh học ở não để người bệnh thoát ra khỏi tình trạng đông cứng bước đi.
Nguyên lý hoạt động của giày laser rất đơn giản: khi chân chạm giày xuống đất, giày trái sẽ chiếu một đường kẻ ngang trên nền nằm cách phía trước chân phải khoảng 45cm, bệnh nhân sẽ bước đè lên hoặc tiến về phía đường kẻ làm hoạt hóa đèn laser ở giày phải và đèn này sẽ chiếu một đường kẻ ngang tương tự phía trước chân trái. Quá trình này cứ lặp đi lặp lại như vậy.
“Rất nhiều bệnh nhân tham gia thử nghiệm cùng chúng tôi đã đi lại bình thường khi leo cầu thang. Trong khi họ phải vật lộn để tìm một vạch kẻ trên nền nhà bằng phẳng thì khi đi đôi giày này để leo cầu thang, nó lại tạo ra nhiều “ám hiệu thị giác” kiểu này nhiều hơn. Người đi giày chỉ cần dẫm chân xuống là họ nhìn thấy rất nhiều ám hiệu thị giác. Bởi thế, một số bệnh nhân của chúng tôi gọi đôi giày laser này là giày leo cầu thang”, Liser Pape cho biết.
Những thử nghiệm ban đầu của Start-up Walk With Path cho thấy, số cơn đông cứng bước đi của những người sử dụng loại giày này giảm 46%. Khoảng thời gian bị đông cứng cũng giảm xuống còn một nửa.
Thử nghiệm này đã được thực hiện đối chứng trên 2 nhóm bệnh nhân sử dụng và không sử dụng thuốc điều trị bệnh. Kết quả cho thấy, cả hai tác dụng nói trên thể hiện rõ rệt nhất ở những bệnh nhân chưa sử dụng thuốc điều trị. Tuy nhiên, tình trạng cải thiện vận động cũng thấy rõ sau khi bệnh nhân đã sử dụng thuốc.
“Tôi đã có thể đi siêu thị, tới phòng tập gym, hay tới nhiều nơi không quá xa nơi tôi ở. Với đôi giày này, tôi cảm thấy khá an toàn . Tôi rất vui mừng vì có thể tự đi lại hàng ngày mà không còn nơm nớp lo sợ rơi vào tình trạng đông cứng bước đi như trước đây nữa”, cô Mel, bệnh nhân Parkinson thử nghiệm giày laser của Liser Pape vui mừng cho biết.
Tuy nhiên, do tình trạng đông cứng bước đi trong bệnh Parkinson là một hiện tượng phức tạp, nên thiết bị này cần được cải tiến thêm. Theo dự kiến, các nhà khoa học sẽ tiến hành thêm những thử nghiệm ở môi trường sống hằng ngày của bệnh nhân trước khi loại giày này được đưa ra thị trường.
Parkinson là một bệnh thoái hóa thần kinh chủ yếu tác động đến hệ vận động. Hiện tại, trên toàn thế giới có khoảng 6,5 triệu người mắc bệnh. Theo thống kê, vào năm 2015, số lượng bệnh nhân tử vong vì Parkinson trên toàn thế giới vào khoảng 120.000 người.
Bệnh chủ yếu gặp phải ở những người có độ tuổi trên 60. Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện và tiến triển chậm theo thời gian, thường gặp nhất bao gồm run, cứng cơ, vận động chậm chạp và khó khăn trong đi lại.
Những rối loạn trong hành vi và nhận thức, cảm giác, cảm xúc và giấc ngủ cũng có thể xảy ra. Khi ở giai đoạn muộn, bệnh nhân Parkinson có thể sẽ bị sa sút trí tuệ hoặc trầm cảm. Nguyên nhân dẫn đến bệnh Parkinson có thể là do di truyền hoặc các yếu tố môi trường.
Hiện tại chưa có liệu pháp chữa lành căn bệnh này. Những phương pháp điều trị hiện tại chủ yếu nhằm cải thiện tình trạng vận động của bệnh nhân.