Mặt trái của điều thú vị này luôn là nguy cơ bệnh lý hay hiểm họa rập rình… Vậy làm sao để phòng tránh?
Nguy cơ chuột rút
Chuột rút (cramp) khi bơi lặn ngoài biển, trên sông, trong hồ có người còn gọi đùa là “Hà Bá rút tuyển quân”. Vì khi một người đang bơi lặn mà xảy ra hiện tượng chuột rút rất dễ bị chết chìm trong nước.
Mùa hè đang bước vào dịp cao điểm của nắng nóng, nghĩa là lượng người xuống nước tham gia bơi lặn gia tăng. Biết về hiện tượng chuột rút, sẽ có cách đề phòng những rủi ro có thể xảy ra.
Chuột rút, có nơi gọi là “vọp bẻ” là cách gọi mang tính hình tượng. Vị trí chuột rút thường thấy xảy ra ở bắp chân hay bắp đùi. Đây là hiện tượng co rút cơ bắp. Nếu quan sát trong cơn co cơ, ta thấy bắp thịt cuộn lại như là... con chuột đang chui dưới mảnh vải. Gọi là “chuột rúc” thì xem ra cũng không sai!
Nguyên nhân bị chuột rút thường là do hoạt động cơ bắp quá mức, biểu hiện này hay gặp ở các cầu thủ bóng đá, các vận động viên điền kinh và bơi lặn.
Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như lạnh, rối loạn thần kinh, vận mạch, thiếu các chất khoáng, mắc các bệnh nhiễm trùng hoặc do ảnh hưởng của một số loại thuốc.
Nếu bị chuột rút nặng và thường xuyên thì cần đi khám bác sĩ xác định nguyên nhân để có hướng giải quyết hiệu quả. Trong đa số các trường hợp “chuột” thỉnh thoảng “rút”, diễn tiến nhanh chóng và nhẹ nhàng hơn thì tạm ngưng các hoạt động, thư dãn tại chỗ, xoa bóp nhẹ nhàng thì “đuổi” được chuột rút.
Một điều mà chúng ta phải lưu ý là trước khi ra sân bóng, vào đường đua, nhất là vào bể bơi hay ùm xuống sông, xuống biển cần khởi động vài phút để cho các cơ bắp thích nghi và chuẩn bị “tinh thần”. Điều này sẽ giúp tránh được nguy cơ bị chuột rút.
Những ai thường xuyên bị chuột rút không nên đi bơi lẻ một mình và nhất là không bơi ra những chỗ nước sâu, nhằm đề phòng trường hợp “chuột” có thể “rút” bất cứ lúc nào, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh đỏ mắt do nước bẩn
Bơi lặn ở sông hay biển thường ít khi bị đỏ mắt, do lượng nước sông và biển quá lớn, “làm loãng” các yếu tố nguy cơ. Nước biển còn có khả năng sát khuẩn do độ mặn của nó. Nhưng bơi lặn ở hồ bơi thì nguy cơ bị bệnh đỏ mắt là điều đáng nói.
Tuy các hồ bơi được thay nước thường xuyên nhưng lượng nước vẫn không thấm tháp gì so với sông biển, hơn nữa lượng người tập trung ở đây đông. Những người đi bơi đang có các bệnh về mắt, da, tai mũi họng… không kiểm soát được. Khi họ xuống nước vi khuẩn sẽ “xuống” theo làm ô nhiễm môi trường và gây bệnh cho người khác.
Mang kính khi bơi sẽ cản bớt sự tiếp xúc của mắt với yếu tố nguy cơ, nhờ đó sẽ hạn chế bệnh đỏ mắt do bơi lặn. Sau khi bơi cần lau mặt bằng khăn sạch hoặc chặm mắt bằng bông gòn sạch.
Dùng các loại dung dịch sát khuẩn nhỏ mắt thông thường (như Chlorocid 4‰, Natrichloride 0,9%...)¬ sẽ hạn chế tối đa bệnh đỏ mắt khi bơi lặn trong hồ. Và nhờ vậy, mọi người có thể rủ nhau đi bơi thỏa thích bất cứ khi nào có thời gian rảnh mà không sợ bị bệnh mắt đỏ hoặc làm lây bệnh lại cho người khác.
Bệnh viêm tai
Khi lao mình xuống nước, sải những sải tay dài lướt đi như tên về phía trước với nụ cười sảng khoái hay chỉ từ tốn ngâm mình và ngụp lăn tại chỗ, toàn thân bị nước bủa vây.
Các hốc tự nhiên của cơ thể đều bị nước xâm chiếm, tràn ngập. Người bơi lặn chỉ có thể ngậm miệng, nhắm mắt, nhưng không thể… bịt tai khi bơi lặn. Nếu gặp phải nước bẩn thì các vi khuẩn có trong môi trường sẽ xâm nhập vào tai, làm cho tai bị ngứa.
Các tác nhân gây bệnh còn có thể xâm nhập vào tai khi sử dụng tăm bông ngoáy tai không đúng cách làm thương tổn niêm mạc ống tai tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây bệnh.
Nếu sau khi đi bơi lặn vài hôm mà có cảm giác ngứa tai, đau tức ở các lỗ tai một cách tự nhiên hoặc khi nhai, khi ngáp. Ấn vào tai cảm giác tăng đau là bị viêm ống tai ngoài. Một số trường hợp có kèm theo sốt từ nhẹ nhàng đến sốt cao.
Các trường hợp bệnh nhẹ chỉ cần dùng thuốc nhỏ tai vài ngày là đủ. Các trường hợp nặng, bác sĩ sẽ cho dùng phối hợp với thuốc kháng sinh toàn thân để tiêu diệt tác nhân gây bệnh và thuốc giảm đau làm cho êm dịu lỗ tai đau. Nhìn chung bệnh khỏi sau khoảng 1 tuần điều trị.
Để hạn chế rủi ro trên, không nên ngâm mình ở những nơi nước bẩn. Ngoáy tai nhẹ nhàng đúng cách không làm tổn thương tai. Khi từ dưới nước lên nên nghiêng người, kéo nhẹ vành tai và nhảy tại chỗ 2 - 3 lần để “đuổi” nước đọng trong tai ra. Thực hiện lần lượt từng tai một sẽ giúp hạn chế tình trạng viêm ống tai do bơi lặn.
Với những người thích cảm giác mạnh, nhảy từ cầu, từ tàu thuyền, từ nhánh cây ven sông xuống nước hoặc lặn một hơi thật sâu sát đáy nước khả năng bị viêm tai giữa là rất lớn. Nếu gặp phải rủi ro này, người bơi lặn có cảm giác ngay tại chỗ với các biểu hiện như căng tức, đau nhói, ù tai, nghe kém.
Bệnh viêm tai giữa trong trường hợp bơi lặn là do tai giữa bị chấn thương vì áp lực nước gây ra. Dưới sức ép của nước, các ống nối thông giữa tai và mũi họng bị xẹp, tắc gây ứ đọng dịch, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Nếu nghi ngờ bị viêm tai giữa, tốt nhất là đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám.