- Cha mẹ nên cùng con thảo luận và đặt ra các quy định về việc sắp đặt, cất giữ các đồ vật.Chẳng hạn như không được quăng quật đồ đạc, áo quần lung tung, đồ chơi không để vung vãi, áo quần bẩn thay ra phải để gọn gàng trong giỏ, quần áo sau khi giặt sạch sẽ phải được xếp và cất vào tủ cẩn thận…
Lưu ý, hãy cho trẻ cơ hội bàn bạc để trẻ có trách nhiệm với nội quy mà chính trẻ tham gia xây dựng. Quy định phải nghiêm khắc, nhưng phù hợp với điều kiện cụ thể để trẻ có thể thực hiện được.
- Chọn lựa và sắp xếp những hộp hoặc giỏ cất giữ đồ hấp dẫn, ngộ nghĩnh. Tặng cho trẻ những chiếc hộp hoặc túi nhựa xinh xắn dùng để đựng cặp tóc, nơ, các món trang sức… Đặt ở mỗi phòng một chiếc giỏ hình ngộ nghĩnh đựng đồ chơi vì trẻ có thể dễ dàng chuyển từ phòng này sang phòng khác. Cách này giúp trẻ tự giác dọn dẹp đồ chơi, khiến nhà đỡ bừa bộn hơn.
Nếu có điều kiện, cha mẹ hãy mua cho trẻ những chiếc giỏ đựng đồ chơi, sách vở, áo quần hình thù ngộ nghĩnh bằng nhựa trong suốt để trẻ có thể nhìn thấy vị trí của món đồ bên trong, mỗi khi trẻ muốn tìm đồ vật gì, chúng không phải lục tung hết túi đồ này đến túi đồ khác. Tốt nhất là cha mẹ nên chọn những hộp hình vuông, có nắp đậy, có thể xếp chồng lên nhau để tiết kiệm diện tích đựng đồ.
- Cha mẹ gương mẫu trong mọi hoàn cảnh. Cha mẹ phải luôn là tấm gương cho con noi theo về tính gọn gàng, cẩn thận để chúng học tập thông qua những hành động và việc làm cụ thể. Trẻ khó có thể ngăn nắp, sạch sẽ khi cha mẹ chúng sống luộm thuộm, nhà cửa ngổn ngang…
Trước những hành động cẩn thận, gọn gàng của trẻ, cha mẹ hãy kịp thời khen ngợi, động viên để trẻ phát huy tốt hơn trong mọi lĩnh vực.