Trần Hưng Đạo tên thật là Trần Quốc Tuấn (? - 1300), ông là anh con bác của Trần Thái Tông – vị vua mở đầu triều Trần. Do được phong tước hiệu Hưng Đạo Đại Vương nên ông cũng thường được sử sách chép là Trần Hưng Đạo.
Lợi ích quốc gia là trên hết
Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, Trần Quốc Tuấn là con trai thứ hai của An Sinh Vương Trần Liễu, còn Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải là Hoàng tử thứ ba của vua Trần Thái Tông.
Xét trong thế thứ họ hàng ruột thịt, Trần Quốc Tuấn là anh con bác của Trần Quang Khải. Mặc dù là anh em rất gần gũi, nhưng mối quan hệ giữa hai người lại chứa đựng hiềm khích do chính đời trước là Trần Liễu và Trần Thái Tông để lại.
Thế nên, sau này khi Trần Quang Khải giữ chức Tể tướng, Trần Quốc Tuấn thống lĩnh quân đội, giữa hai đại thần có vẻ vẫn tiềm tàng những hiềm nghi, đem lại rất nhiều lo lắng cho triều đình.
Hơn ai hết, Trần Quốc Tuấn là người rất thấu hiểu nỗi lo này, trong thâm tâm, ông đã muốn xóa bỏ hiềm nghi đó từ lâu. Chính bởi vậy, vị Quốc công Tiết chế đã làm tất cả để hóa giải mối hiềm nghi giữa hai người.
Trần Quang Khải vốn sợ tắm gội, Trần Quốc Tuấn thì thích tắm thơm. Một lần gặp nhau, ông bảo Trần Quang Khải: “Mình mẩy cáu bẩn, xin tắm giùm”! Rồi Trần Quốc Tuấn cởi áo Trần Quang Khải, dùng nước thơm tắm cho ông và nói: “Hôm nay được tắm cho Thượng tướng”. Trần Quang Khải cũng nói: “Hôm nay được Quốc công tắm rửa cho”.
Sau sự kiện này, hai ông trở nên thân tình, tin tưởng nhau, tình nghĩa qua lại ngày càng thêm mặn mà. Trong việc giúp đỡ nhà vua chống giặc, cũng như nhiều việc trọng khác, hai ông đều đứng hàng đầu.
Yêu thương cấp dưới
Trần Quốc Tuấn nổi tiếng là vị tướng hết lòng thương yêu cấp dưới. Dưới trướng ông, người có tài, hết lòng vì nước, vì dân luôn được trọng dụng.
Nắm trong tay quyền lực khuynh đảo triều chính, lập biết bao chiến công, nhưng không vì thế mà ông nhận hết về mình. Với Trần Quốc Tuấn, công lao của ông được tạo nên từ những thuộc cấp dưới trướng của mình. Ông đặt vai trò của họ cao hơn bản thân.
Chính nhờ đức tính này, Hưng Đạo Vương đã phát hiện được những nhân tài cho đất nước, từ những người vốn xuất thân từ nông dân như Phạm Ngũ Lão, hay thân phận tôi tớ, gia nô như Dã Tượng, Yết Kiêu.
“Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng, trong kháng chiến chống quân Nguyên, Yết Kiêu giữ thuyền ở Bãi Tân (trên sông Lục Nam), Dã Tượng đi theo Hưng Đạo Vương. Khi quân Trần thua chạy, thủy quân bị tan cả. Hưng Đạo Vương định rút theo lối chân núi. Dã Tượng nói: “Yết Kiêu chưa thấy Đại Vương thì nhất định không dời thuyền”.
Hưng Đạo Vương đến Bãi Tân, chỉ có thuyền Yết Kiêu vẫn còn ở đó, vui mừng nói: “Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng là chim thường thôi”. Nói xong, ông cho chèo thuyền đi, kỵ binh Nguyên đuổi theo không kịp. Hưng Đạo Vương rút về Vạn Kiếp, chia quân đón giữ ở Bắc Giang.
Ý Trần Hưng Đạo muốn nói người tướng tài giỏi, nổi tiếng phần lớn cũng là nhờ những người quanh mình ra sức làm việc, phò tá. Nếu chỉ có một cá nhân mình thì không sao có thể làm nên sự nghiệp lớn.
Sức mạnh đoàn kết
Trải qua cuộc đời binh nghiệp với hàng trăm trận lớn nhỏ, thắng có, thua có, hơn ai hết Hưng Đạo Vương hiểu rất rõ sức mạnh của nhân dân và khối đại đoàn kết dân tộc.
Tháng Sáu năm Canh Tý (1300), Trần Hưng Đạo ốm nặng, vua Trần Anh Tông ngự tới nhà thăm, hỏi rằng: “Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào?”. Ông trả lời: “Ngày xưa Triệu Vũ Đế dựng nước, vua Hán cho quân đánh, nhân dân làm kế thanh dã (vườn không nhà trống), đại quân ra Khâm Châm, Liêm Châu đánh vào Trường Sa, Hồ Nam, còn đoản binh thì đánh úp phía sau. Đó là một thời.
Đời nhà Đinh, nhà Tiền Lê dùng người tài giỏi, đất phương Nam mới mạnh mà phương Bắc thì mệt mỏi suy yếu, trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống. Đó lại là một thời.
Vua nhà Lý mở nền, nhà Tống xâm phạm địa giới, dùng Lý Thường Kiệt đánh Khâm, Liêm, đến tận Mai Lĩnh là vì có thế. Vừa rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây. Vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt. Đó là trời xui nên vậy.
Đại khái, nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản binh chế trường trận là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự.
Nếu nó tiến chậm như các tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy”.
Rõ ràng, dù sống dưới thời phong kiến mang nặng tư tưởng nho giáo, nhiều quan lại xem “tướng là chim ưng, dân là vịt, lấy vịt nuôi chim ưng không có gì lạ”, suy nghĩ của Trần Quốc Tuấn đã đi trước xã hội đương thời hàng thế kỷ.
Với ông, nhân dân là sức mạnh vô địch, mọi thắng lợi đều từ nhân dân mà ra. Điều này đã được chứng minh qua lời khuyên của ông dành cho vua Trần Anh Tông về đạo trị nước. Mỗi triều đại đều cho những chính sách giữ nước riêng, nhưng thượng sách giữ nước không gì khác ngoài dựa vào sức mạnh của nhân dân.
Trước lúc mất, sợ triều đình tổ chức tang lễ, xây lăng tẩm tốn kém, Hưng Đạo Vương dặn các con rằng: “Ta chết thì phải hỏa táng, lấy vật tròn đựng xương, bí mật chôn trong vườn An Lạc, rồi san đất và trồng cây như cũ, để người đời không biết chỗ nào, lại phải làm sao cho mau mục”. Dù vậy, sau khi ông qua đời, với tấm lòng trân quý, hậu thế đã suy tôn ông làm Đức Thánh Trần và lập đền thờ ở rất nhiều nơi.