22 trường, viện dự Hội thảo khoa học quốc gia 'Quảng Nam lịch sử khai lập và tổ chức quản lý'

GD&TĐ - Ngày 27/8, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề 'Quảng Nam lịch sử khai lập và tổ chức quản lý' với sự tham gia của 22 trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu.

Hội thảo thu hút sự tham gia của 22 trường đại học cao đẳng, viện nghiên cứu trên toàn quốc
Hội thảo thu hút sự tham gia của 22 trường đại học cao đẳng, viện nghiên cứu trên toàn quốc

Hội thảo tập trung vào 4 chủ đề: Lịch sử khai khẩn của vùng đất Quảng Nam: Bàn thảo về quá trình khai khẩn, các luồng di dân, sự hình thành tính cách trong tiến trình lịch sử xứ Quảng. Làng xã trong lịch sử của vùng đất Quảng Nam:

Thảo luận về các vấn đề liên quan đến địa danh làng xã, lịch sử hình thành và phát triển làng xã, văn hóa làng xã, vai trò của làng xã trong lịch sử xứ Quảng. Tổ chức bộ máy chính quyền ở Quảng Nam qua các thời kỳ lịch sử: Công bố các kết quả nghiên cứu mới về các vấn đề tổ chức, thiết chế chính quyền các cấp của xứ Quảng theo tiến trình lịch sử. Quảng Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc: Các phong trào và đóng góp của xứ Quảng trong công cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền dân tộc.

PGS.TS Đỗ Bang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trình bày báo cáo tại phiên toàn thể.

PGS.TS Đỗ Bang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trình bày báo cáo tại phiên toàn thể.

Hội thảo được tổ chức với hai phiên: phiên toàn thể và phiên tiểu ban. Có 3 tham luận được trình bày tại phiên toàn thể gồm: Địa danh và địa giới Quảng Nam cùng các biến động lịch sử từ thời Lê đến thời Tây Sơn (1471 - 1801) do PGS.TS Đỗ Bang, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế; báo cáo Tính mở” trong quá trình khai lập Quảng Nam của nhóm tác giả PGS.TS. Lưu Trang, TS. Nguyễn Minh Phương, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng và Nguồn gốc hình thành tính cách người xứ Quảng từ góc độ lịch sử của ThS. Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Sau phiên toàn thể, hội thảo có 2 tiểu ban với 14 báo cáo được chọn trình bày. Trong đó, tiểu ban 1 có chủ đề Quảng Nam: Lịch sử khai lập; Tiểu ban 2: Quảng Nam: Tổ chức quản lý và đấu tranh bảo vệ chủ quyền dân tộc.

Quảng Nam là vùng đất có vị trí chiến lược, nơi hội tụ và kết tinh của nhiều nền văn hóa khác nhau; nơi sản sinh nhiều thế hệ danh nhân; mảnh đất “trung dũng kiên cường”, giàu lòng yêu nước và truyền thống cách mạng. Theo dòng lịch sử, Quảng Nam từng là kinh đô của vương quốc Chămpa. Sau cuộc “bình Chiêm” của Lê Thánh Tông năm 1471, Quảng Nam chính thức trở thành Đạo Thừa tuyên thứ 13 của Đại Việt.

Trong tiến trình hơn 550 năm gia nhập và phát triển cùng quốc gia, dân tộc, Quảng Nam thể hiện vai trò là phên giậu, tiền đồn để ông cha ta mở cõi về phương Nam, xác lập chủ quyền, tổ chức quản lý; là nơi khởi phát và cũng là trung tâm của các phong trào yêu nước, đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ… Do đó, lịch sử vùng đất này gắn liền với lịch sử khai lập, tổ chức quản lý và mở mang bờ cõi về phía Nam của dân tộc.

Trong giai đoạn hiện nay, truyền thống yêu nước, kiên cường vượt gian khó, năng động và sáng tạo của người dân xứ Quảng tiếp tục được phát huy trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Sau gần 25 năm chia tách Quảng Nam và Đà Nẵng, Quảng Nam đã đạt được những thành tựu vượt bậc đóng góp vào sự nghiệp đổi mới đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ