Các trường học đã phải đóng cửa và chuyển sang giảng dạy trực tuyến nếu có thể. Tuy nhiên, những khó khăn này đã khiến vai trò của nhà giáo ngày càng được công nhận và tôn vinh.
John Cannings - nhà văn và là chuyên gia giáo dục đại học tại Mỹ, đã thảo luận với giáo viên ở mọi cấp độ và thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ. Những giáo viên tham gia khảo sát hiện sống tại nhiều nơi trên khắp nước Mỹ, giảng dạy ở cả trường công và tư.
Năm của nhà giáo
Trong bối cảnh Covid-19 bùng phát, giáo viên được công nhận là “những lao động thiết yếu”. Thủ tướng Australia Scott Morrison từng phát biểu:
“Chúng ta sẽ mất nhiều thứ trong quá trình chiến đấu với loại virus này. Một điều mà tôi biết khi các giáo viên luôn đoàn kết với phụ huynh, đó là chúng tôi không muốn trẻ phải từ bỏ việc học”.
Tuyên bố này cũng là sự thừa nhận tầm quan trọng của giáo viên. Ở những nơi khác trên thế giới, các chính trị gia tại Anh, Đức và Canada đã công nhận giá trị của việc giảng dạy đối với tương lai của đất nước.
Chắc chắn, tác động lớn nhất của quyết định phong toả là sự thay đổi đối với việc giảng dạy trực tuyến. Quyết định này thường được đưa ra trong một thời gian rất ngắn và khiến các trường học, cũng như giáo viên không có nhiều thời gian để chuẩn bị.
Việc giảng dạy trực tuyến đòi hỏi giáo viên tìm hiểu sự phức tạp của nền tảng để đưa ra các bài giảng. Một số giáo viên chưa từng sử dụng bất kỳ nền tảng nào trước khi giảng dạy trực tuyến. Tuy nhiên, 85% người tham gia khảo sát cho biết vô cùng hài lòng với hiệu suất của phần mềm. Hiện tại, những người này cảm thấy thoải mái khi giảng dạy trên nền tảng trực tuyến.
Khi phương thức giảng dạy thay đổi, giáo viên phải suy nghĩ lại cách trình bày bài giảng, cũng như phân phát tài liệu cần thiết. Ngoài ra, họ phải thiết lập các diễn đàn và phòng chia sẻ để thảo luận.
“Tôi đã phải xem lại tài liệu của mình. Tôi đã học được các kỹ năng kỹ thuật số mới ”.
“Phát triển chuyên nghiệp trong các chương trình và tính linh hoạt”.
Đây là những chia sẻ tích cực của giáo viên về quá trình giảng dạy trực tuyến.
Sari Beth Rosenberg - một giáo viên ở New York, chia sẻ, trải nghiệm dạy học trong thời Covid-19 vô cùng “hỗn loạn”. Đại dịch khiến giáo viên sử dụng các nền tảng khác nhau. Trong khi đó, học sinh choáng ngợp bởi hàng loạt thông điệp trong bối cảnh Covid-19. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên dạy trẻ ở độ tuổi tiểu học nhận định, sửa thời khóa biểu là điều cần thiết, vì học sinh không thể tập trung quá lâu.
Không ít người dạy bày tỏ lo ngại về việc chấm điểm và đánh giá trực tuyến. Tại nhiều quốc gia, kỳ thi cuối kỳ đã bị hủy bỏ. Điểm số cuối cùng của học sinh sẽ được trao dựa trên hiệu suất trong thời gian trẻ đi học. Điều này buộc giáo viên phải tập trung vào việc tổ chức đánh giá hơn bao giờ hết.
“Tổ chức tốt hơn việc chấm điểm và đánh giá trực tuyến là điều cần thiết đối với tôi”, một giáo viên chia sẻ.
Cái nhìn lạc quan trong khó khăn
Trong khi đó, nhiều giáo viên nhận xét, dạy học trực tuyến cũng mang lại không ít lợi ích.
“Tôi thực sự có thể tập trung vào công việc giảng dạy của mình. Học sinh là thứ duy nhất tôi chú ý tới, thay vì các công việc nhỏ khác như khi ở trường”, một giáo viên khác bày tỏ.
Nói về thách thức của việc giảng dạy trực tuyến, ông Cannings nhận định, vấn đề lớn là quyền truy cập vào thiết bị kỹ thuật số. Bởi, một số gia đình không có thiết bị kỹ thuật số. Điều này khiến học sinh gặp bất lợi.
“Học sinh gặp sự cố kỹ thuật hoặc không được gia đình giúp đỡ đã gặp khó khăn trong việc theo kịp tiến độ học tập. Tôi đã nhiều lần nghe những nhận xét từ một giáo viên người Đức tại một trường công lập. Tình trạng đó cũng được phản ánh trong một báo cáo của Anh về việc học trực tuyến. Kết quả cho thấy, hạn chế hoặc không tiếp cận được với công nghệ là một vấn đề đối với 23% học sinh ở Anh”, ông Cannings nói.
Mối quan tâm chung của giáo viên là tình trạng học sinh ít khi thảo luận và đặt câu hỏi trong lớp trực tuyến. Thật khó để giáo viên biết được, liệu học sinh có hiểu được bài giảng hay không. Một số nhận xét được nhiều giáo viên tham gia khảo sát đưa ra, bao gồm:
“Không có khả năng nhận được các dấu hiệu trực quan từ học sinh và vì vậy khó đánh giá sự hiểu biết của họ hơn”; “Giữ liên lạc với tất cả học sinh trong suốt bài học. Không thể thảo luận và giải thích các vấn đề một cách tự do”; “Không có liên hệ và trò chuyện ngay lập tức trong việc giảng dạy các bài học với học sinh, cũng như không có phản hồi ngay lập tức về công việc của họ”.
Vấn đề trong giảng dạy trực tuyến
Ngoài ra, một vấn đề thường xuyên được đưa ra trong các cuộc thảo luận là, một số sinh viên dường như chỉ có mặt trên mạng mà không thực sự sẵn sàng đóng góp. Không ít giáo viên chia sẻ, học sinh yếu kém hơn đã rút khỏi lớp học và làm điều này một cách nhất quán! Thậm chí, học trực tuyến được cho là không hấp dẫn đối với những thanh thiếu niên ít tự lập.
Cả giáo viên và học sinh đều nhận thấy, họ đã dành quá nhiều thời gian truy cập Internet. Nhiều học sinh nhỏ tuổi chia sẻ, việc lên mạng đến 6 giờ một ngày là quá nhiều. Những trẻ em này phàn nàn rằng, họ cảm thấy mệt mỏi vào cuối mỗi buổi học trực tuyến. Họ nhận thấy, sự tập trung của mình đang bị dao động. Hơn nữa, một số giáo viên thấy rằng, việc ngồi trước màn hình giảng dạy cả ngày cũng là quá nhiều. Thậm chí, không ít người dạy cho biết, sức khoẻ của họ bị ảnh hưởng không nhỏ sau thời gian dài giảng dạy qua Internet.
Đối với việc học trực tuyến, chất lượng và tốc độ kết nối Internet có thể mang lại nhiều thay đổi. Và, kết quả là không ít học sinh đã bỏ học theo đúng nghĩa đen. Bởi, chất lượng âm thanh và hình ảnh của lớp học trực tuyến không phải lúc nào cũng được tối ưu. Một phản ứng tiêu biểu của giáo viên Mỹ là: “Tốc độ kết nối và chất lượng âm thanh… là một vấn đề”.
Bài học từ việc dạy học trực tuyến
“Đó là tầm quan trọng của sự tiếp xúc giữa con người với nhau trong giảng dạy. Tất cả những người được hỏi đều cho rằng, mối quan hệ của họ với học sinh bị thách thức khi chuyển sang học tập kỹ thuật số hoàn toàn. Điều này đặc biệt xảy ra đối với những học sinh tiểu học - người phải vật lộn để duy trì nhiệm vụ và đôi khi mất động lực”, ông Cannings chia sẻ.
Phần lớn giáo viên cho rằng, họ cần trực tiếp đứng lớp. Nhờ đó, giúp người học tự do tương tác, tranh luận và thảo luận. Trong khi đó, việc giảng dạy trực tuyến không bao giờ có thể thay thế các bài học trên lớp.
Trước bối cảnh việc học trực tuyến “lên ngôi” do đại dịch, phần lớn giáo viên cho rằng, điều quan trọng là bảo đảm người dạy và học được đào tạo cũng như hỗ trợ trong việc sử dụng phần mềm. Bởi, thời gian đầu, không ít giáo viên và học sinh gặp khó khăn với phần mềm. Họ cũng không biết phải làm gì khi gặp sự cố. Thông qua khảo sát, các giáo viên chủ yếu đưa ra nhận xét như:
“Công nghệ thông tin là vấn đề gây “đau đầu”, sau nhu cầu ban đầu là học cách điều hướng nền tảng bị thay đổi”.
Một số giáo viên chia sẻ, họ đã sắp xếp các nguồn tài nguyên và tài liệu trực tuyến với một số nhiệm vụ nhất định, sử dụng các phiên tương tác chỉ dành cho những nhóm thảo luận. Điều này dường như đặc biệt hiệu quả đối với các học sinh lớn tuổi. Một người được hỏi nói rằng, điều này phản ánh cách tiếp cận được sử dụng trong các khóa học trực tuyến trong chương trình văn bằng tú tài quốc tế.
Trong khi đó, một số giáo viên tham gia khảo sát chỉ ra rằng, điều này sẽ hiệu quả hơn rất nhiều trong việc thu hút tất cả học sinh và giữ sự tập trung của họ tốt hơn.
“Tôi sẽ chia các lớp học thành hai phần và đưa ra các bài học ngắn hơn. Nhờ đó, sẽ có nhiều người học tham gia lớp một cách tích cực. Những học sinh trầm lặng có xu hướng không tham gia. Chất lượng hơn là số lượng! Việc giảng dạy trực tuyến cho nhóm nhỏ hơn đã hoạt động rất hiệu quả”, một giáo viên cho biết.
Khi nói về tầm quan trọng của việc chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp, phần lớn người trả lời cho biết, điều đó sẽ giúp giáo viên thảo luận về cả chiến lược và phần mềm hoạt động trực tuyến.