5G sẽ thay đổi về “chất”?
Năm 1990, khi thế giới xuất hiện công nghệ 2G, thì 3 năm sau, Việt Nam triển khai mạng điện thoại di động công nghệ số 2G. Đến năm 2000, thế giới xuất hiện công nghệ 3G, nhưng phải 10 năm sau, 3 nhà mạng lớn nhất mới khai trương mạng điện thoại di động 3G. Còn công nghệ 4G đã xuất hiện 8 năm trên thế giới, nhưng ở Việt Nam vẫn chưa cấp được tần số mới để làm 4G (mạng 4G mà các nhà mạng khai trương năm 2017 là do dồn dịch tần số 3G).
Sớm tiếp cận công nghệ 2G, mạng di động Việt Nam từng vào tốp 20 trên thế giới. Song, khi chuyển sang công nghệ 3G, 4G, Việt Nam không những đi sau về công nghệ, mà còn thiếu nhân tố cạnh tranh mới. Đây là một yếu tố khiến viễn thông Việt Nam đang xếp thứ 100 trên thế giới (mật độ thuê bao di động băng rộng, năm 2017 Liên minh Viễn thông Quốc tế ( ITU) xếp Việt Nam đứng thứ 115/193, tức là dưới trung bình của thế giới).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thiết bị mạng 2G và 3G 100% nhập ngoại. Khi triển khai 4G lần đầu tiên tại Việt Nam (dù sau 8 năm công nghệ 4G xuất hiện trên thế giới). “Với 5G, chúng ta sẽ có thiết bị ngay từ ngày đầu triển khai chính thức vào năm 2020.
Đây sẽ là sự thay đổi lớn nhất, ý nghĩa nhất, cũng là sự chuyển đổi về chất lớn nhất trong ngành công nghiệp điện tử viễn thông nước nhà”- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh- “Bộ TT&TT khích lệ, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam (cả Nhà nước và tư nhân), nghiên cứu sản xuất thiết bị viễn thông, kể cả thiết bị mạng và thiết bị đầu cuối, để lần đầu tiên trong lịch sử nước nhà, mạng viễn thông Việt Nam được xây lên bởi thiết bị Việt Nam. Việt Nam cũng phải trở thành nước thứ 5 trên thế giới xuất khẩu được thiết bị viễn thông “made in Vietnam”, bao gồm tất cả thiết bị mạng và đầu - cuối”.
Cần nhân tố cạnh tranh mới
“Mạng lưới phải có trước, hạ tầng kết nối phải có trước. Đầu tư trước kinh doanh sau. Đây phải là triết lý kinh doanh của tất cả các nhà mạng. Mạng 5G cho kết nối vạn vật của Việt Nam phải vào loại tốt nhất trên thế giới. Số lượng trạm BTS cho 5G sẽ phải lớn hơn rất nhiều so với các công nghệ trước đó. Do vậy, dùng chung hạ tầng, chia sẻ hạ tầng viễn thông với các hạ tầng điện, nước, giao thông là rất quan trọng, để giảm chi phí xã hội”- Người đứng đầu Bộ TT&TT khẳng định.
Kết nối vạn vật sẽ yêu cầu một đầu tư hoàn toàn khác so với mạng điện thoại di động (chỉ kết nối con người với nhau). Mạng 5G là hạ tầng cho kết nối vạn vật (hạ tầng quan trọng nhất của CMCN 4.0). Việt Nam muốn đi đầu trong CMCN 4.0 thì mạng 5G phải đi trước.
5G không chỉ là cơ hội về dịch vụ kết nối, thay đổi thứ hạng viễn thông, mà còn là để phát triển ngành công nghiệp ICT của Việt Nam. Với nhu cầu rất lớn về thiết bị mạng lưới, đặc biệt lớn về thiết bị đầu cuối, nhu cầu mang tính quyết định của an toàn, an ninh mạng, nhu cầu của người dân về ứng dụng, sẽ tạo ra thị trường rộng lớn cho các công ty công nghệ Việt Nam.
Thị trường viễn thông Việt Nam cần những nhân tố cạnh tranh mới để thúc đẩy phát triển, có những đột phá mới về phát triển thuê bao băng rộng, nhằm đạt mật độ thuê bao di động băng rộng 100% vào năm 2020. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, về cơ cấu dịch vụ, thoại và nhắn tin chỉ còn chiếm dưới 30% tổng doanh thu.
Về tiêu dùng, dữ liệu trên đầu người, Việt Nam phải lọt vào tốp 30 - 50 trên thế giới. Về chuyển đổi số, các nhà mạng phải là những công ty đầu tiên thực hiện chuyển triệt để. Về CMCN 4.0, các nhà mạng phải là người ứng dụng đầu tiên, hiệu quả các công nghệ AI, Big Data, IoT. Về đổi mới sáng tạo, các nhà mạng phải phát triển các X-Tech, như FinTech, AgriTech, EduTech nhằm tạo ra những sự thay đổi lớn của các ngành.
Chính phủ đã giao Bộ TT&TT hợp tác với Diễn đàn Kinh tế Thế giới thiết lập một trung tâm làm chính sách cho các công nghệ mới của CMCN 4.0 và các mô hình kinh doanh mới.