20 thói quen mất tiền oan mà bạn không nhận ra

Đến sát giờ mới đi mua quà tặng, quên mất các chương trình thanh lý hàng cuối mùa... đều là những thói quen khiến bạn "vứt tiền qua cửa sổ"...

20 thói quen mất tiền oan mà bạn không nhận ra

Kể cả người tiết kiệm nhất cũng có một vài thói quen tiêu tiền lãng phí nào đó. BI đã liệt kê ra danh sách những thói quen lãng phí tiền nhiều người mắc phải.

1. Chờ đến hè mới mua xăng đan và đồ bơi

Khi phong cách mùa xuân vẫn đang thịnh hành, bạn có thể tiết kiệm bằng cách mua những trang phục hè của năm ngoái với giá giảm sâu nhất, có khi lên tới 80%.

20-thoi-quen-mat-tien-ma-ban-khong-nhan-ra

Mua quần áo thanh lý cuối mùa giúp bạn tiết kiệm được nhiều tiền -Ảnh:menstylefashion.

2. Mua TV thông minh

Một chiếc TV bình thường cộng một thiết bị bổ sung có thể giúp bạn xem các chương trình trên internet. Hãy so sánh giá của TV thông minh và tổng tiền mua TV thường cùng thiết bị kèm theo, bạn có thể tiết kiệm được rất nhiều.

3. Không biết chương trình khuyến mại của thẻ tín dụng

Các ngân hàng cung cấp thẻ tín dụng thường có nhiều chương trình giảm giá ở các cửa hàng, bạn nên chú ý trước khi quyết định mua hàng để có thể giảm được tỷ lệ đáng kể.

4. Luôn mua thuốc của thương hiệu lớn

Với một số loại thuốc đơn giản không cần đơn của bác sĩ như nước muối sinh lý, que thử thai... không có nhiều khác biệt về chất lượng giữa hàng của thương hiệu lớn và hàng bình thường, khác biệt chủ yếu là bao bì.

5. Mua sản phẩm điện tử mới mà không chú ý đến chương trình đổi hàng cũ

Khi tung ra thị trường một sản phẩm mới, các thương hiệu thường có chương trình mua mới, đổi cũ sản phẩm tương tự. Đó là cách tận dụng lại món đồ cũ hiệu quả nhất khi bạn không sử dụng nó nữa.

6. Quên mất những món hàng mùa đông được thanh lý khi mùa đông sắp qua

Vào mùa đông tới, bạn chắc chắn sẽ không thể tìm được đôi bốt UGG hay áo khoác North Face với cái giá bằng giá bạn mua lúc này.

7. Tái sử dụng đồ đựng

Ngoài việc tiết kiệm tiền bạc, tái sử dụng đồ đựng còn có nhiều ý nghĩa với môi trường. Ví dụ, bạn chỉ cần mua một lần nước giặt trong can nhựa, sau đó mua hàng đựng trong túi nylon, khi dùng sẽ đổ ra can nhựa cũ...

8. Dùng điện thoại bàn ở nhà

Còn mấy người gọi cho bạn vào số điện thoại để bàn, tại sao bạn không cắt hẳn, chỉ dùng số di động cho thuận tiện và tiết kiệm.

9. Vứt bỏ quần áo cũ

Bạn thể tặng hoặc tái sử dụng, biến áo cũ thành túi, khăn lau nhà... Nếu trang phục vẫn còn mới, bạn có thể bán lại ở các trang rao vặt hay mạng xã hội.

10. Mua quà tặng vào phút chót

Một số quà tặng đòi hỏi phải phù hợp với cá nhân người nhận, nhưng cũng có nhiều món quà bạn có thể mua sẵn và tặng cho bất kỳ ai. Bạn có thể mua sẵn quà vào những dịp giảm giá và để dành đến sự kiện thì mang tặng.

11. Thuê bao cáp truyền hình

Nếu các kênh bạn xem không thể truy cập qua internet thì bạn nên giữ thuê bao cáp. Còn không, tại sao bạn lại phải trả tiền khi bạn vẫn có thể xem chương trình đó thông qua các ứng dụng khác.

12. Làm thẻ thành viên của các câu lạc bộ sức khỏe

Bạn chỉ nên làm thẻ thành viên khi chắc chắn một tuần đến trung tâm tập luyện từ bốn buổi trở nên. Có rất nhiều hướng dẫn luyện tập qua internet mà bạn có thể tự tập ở nhà. Bạn cũng có thể mua một chiếc xe đạp, vài cái tạ, tự đi bộ... sẽ rẻ hơn rất nhiều so với đến các trung tâm tập luyện.

13. Gọi xe taxi truyền thống thay vì Uber, Grab

Nếu bạn sống ở khu vực có nhiều xe taxi đậu, chắc chắn cũng sẽ có rất nhiều xe Uber, Grab ở quanh đó. Các ứng dụng miễn phí, dễ sử dụng, nếu không phải giờ cao điểm giá luôn rẻ hơn taxi truyền thống. Đặc biệt nếu không vội, bạn có thể chọn cách đi chung xe với người khác để tiết kiệm thêm chi phí.

14. Trung thành với một ngân hàng và sử dụng cùng một thẻ tín dụng trong nhiều năm

Cứ hai năm, bạn nên mở thẻ tín dụng mới một lần để duy trì tín dụng lành mạnh. Hơn nữa, các ngân hàng thường cung cấp nhiều điểm thưởng, chương trình khuyến mại cho người mở thẻ mới và bạn sẽ được hưởng lợi.

15. Sử dụng điện không thông minh

Bật đèn điện, quạt, điều hòa khi không có người trong phòng, buổi tối không tăng nhiệt độ điều hòa, bình nóng lạnh để 24/24h... Tất cả không chỉ lãng phí năng lượng mà còn làm giảm tuổi thọ của thiết bị.

16. Vứt bỏ đồ nội thất cũ

Trừ khi món đồ quá nát, bạn hoàn toàn có thể kiếm được ít tiền từ việc bán lại cho người khác. Bạn nên nhớ "thùng rác của người này đôi khi lại là kho báu của người khác."

17. Trả tiền cho các phần mềm

Một số phần mềm chuyên nghiệp bạn buộc phải mua nhưng cũng có nhiều phần mềm mã nguồn mở luôn có sẵn trên mạng. Hãy kiểm tra kỹ trước khi quyết định chi tiền.

18. Không đăng ký thẻ thành viên của các siêu thị, cửa hàng hay mua sắm

Đa số các siêu thị, cửa hàng đều có chương trình làm thẻ thành viên miễn phí. Khi dùng những thẻ này, bạn có thể được giảm giá một số mặt hàng tùy thời điểm hoặc được nhận chiết khấu khi điểm tích lũy đạt đến một con số nào đó.

19. Đi mua thực phẩm mà không liệt kê những thứ cần mua

Lập danh sách những thứ cần mua, bạn sẽ không cho vào giỏ hàng những thứ mà mình không có nhu cầu sử dụng.

20. Không biết mình tiêu hết bao nhiêu tiền

...Cho đến khi nhận được sao kê của thẻ tín dụng. Để quản lý tiền tốt, việc biết được số tiền mình đã tiêu, số tiền mình muốn tiết kiệm và mình sẽ làm gì với khoản tiết kiệm đó là rất quan trọng.

Theo Vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ