Mộ phỏng 2 cấu trúc địa chất cao gấp khoảng 100 lần chiều cao đỉnh Everest.
Theo một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học Mỹ đã tìm ra hai cấu trúc núi khổng lồ nằm sâu 2.896km bên dưới bề mặt trái đất. Cấu trúc địa chất này cao gấp khoảng 100 lần đỉnh Everest (hiện có chiều cao 8.848m). Các nhà khoa học chưa rõ nguồn gốc của khối địa chất này là từ đâu.
Khối địa chất nằm ở phần lõi của Trái đất và được tạo ra từ những hợp chất rất khác biệt. Nhờ công nghệ hiện đại, các nhà khoa học đã “nhìn” được vào bên trong tâm của trái đất, điều cách đây 50 năm là bất khả.
Nghiên cứu chỉ ra rằng có nhiều lỗ thủng trên bề mặt trái đất giúp “dòm” vào tâm trái đất. Cách đây ít lâu, các nhà khoa học cũng phát hiện ra một nguồn khí oxy cực lớn bên dưới 700km lớp vỏ Manti của trái đất. Lớp Manti nằm giữa tâm và vỏ Trái đất.
Nhóm nghiên cứu cho rằng cấu trúc vật chất mới giúp khám phá sự hình thành Trái đất và giải thích cơ chế núi lửa phun hay sự tạo thành các mảng kiến tạo.
Một khối địa chất nằm sâu dưới Thái Bình Dương và khối còn lại nằm bên dưới Ấn Độ Dương. Một số chuyên gia gọi đây là “tích tụ nhiệt hóa” và được cho là nguyên liệu tạo ra lớp vỏ Manti của Trái đất.
“Dù nguồn gốc và cấu phần tạo nên hai khối địa chất chưa được biết đến nhưng chúng ta sẽ hiểu được phần nào cách thức Trái đất hình thành và phát triển”, Edward Garnero từ đại học Arizona, nói.