2 mặt lợi, hại của sinh mổ so với sinh thường

GD&TĐ - Hầu hết các mẹ đều được khuyên nên sinh thường để bé khỏe, mẹ mau hồi phục. Vậy hãy cùng tìm hiểu xem sinh thường có phải là tuyệt đối tốt hơn sinh mổ hay không nhé!

​Ưu điểm lớn nhất của sinh thường là mẹ sẽ có sữa ngay để cho bé bú.
​Ưu điểm lớn nhất của sinh thường là mẹ sẽ có sữa ngay để cho bé bú.

1. Sinh thường

Ưu điểm đối với mẹ:

– Xét về góc độ tâm lý, đẻ thường sẽ giúp mẹ bầu có cơ hội được cảm nhận từng khoảnh khắc khi con ra đời.

– Người mẹ Việt Nam khi sinh thường sẽ cảm thấy tự hào hơn so với sinh mổ, nhưng đó chỉ là quan niệm văn hóa bởi vì thực chất, sinh mổ hay sinh thường đều thiêng liêng như nhau. Sẽ thật thiển cận khi nói mẹ sinh thường là thương con hơn so với sinh mổ. 

– Thời gian hồi phục của mẹ bầu nhanh hơn. Mẹ sẽ có sức để chăm con và chăm sóc bản thân.

– Các mẹ sinh thường có thể áp bé lên ngực theo phương pháp da tiếp da – giúp gắn kết mẹ và bé để bé có khởi đầu tốt hơn.

– Nguồn sữa sẽ về rất nhanh. Quá trình sinh con tự nhiên sẽ kích thích cơ thể mẹ tiết sữa sớm, nhờ đó em bé nhanh chóng được hưởng nguồn sữa non quý giá.

Ưu điểm với trẻ:

– Khi sinh thường, mẹ và bé có sự kết nối sớm hơn so với phương pháp sinh mổ.

– Trẻ có thể bú mẹ sớm hơn.

– Trẻ được sinh thường có khả năng miễn dịch tốt hơn và đường ruột khỏe mạnh hơn. Lý do là vì khi trẻ di chuyển qua đường âm đ.ạo của mẹ để đi ra ngoài, trẻ sẽ được tiếp xúc với các vi khuẩn có lợi. Khi đó, cơ thể bé sản xuất ra hệ miễn dịch tương ứng.

– Trẻ ít có khả năng bị hen suyễn vì khi sinh thường, trẻ phải đi qua thành âm đ.ạo hẹp, giúp tống xuất dịch trong phổi.

– Quá trình sinh thường sẽ kích thích nang phổi mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho hô hấp tự nhiên của bé sau khi ra đời.

Nhược điểm đối với mẹ:

– Sinh thường cực kì đau đớn và căng thẳng cho người mẹ. Người mẹ sẽ phải trải qua một quá trình chuyển dạ kéo dài nên dễ xảy ra tình trạng mất sức và băng huyết sau sinh.

– Trong quá trinh sinh, nếu xảy ra sự cố thì việc xử lý sẽ rất khó, bởi thai nhi lúc này đã tụt xuống cổ tử cung, nên không thể dùng các phương pháp khác thay thế được nữa. Trong trường hợp này sẽ rất nguy hiểm với thai nhi.

– Nếu mẹ bị mất sức nửa chừng thì phải dùng kẹp để kéo hoặc dụng cụ hút để hút em bé ra. Việc này đều không tốt cho em bé và bé có thể bị ngạt trong quá trình sinh nở. Mẹ sẽ bị rách âm đạo, rách tầng sinh môn, nguy cơ nhiễm trùng vùng k.ín rất cao và mất nhiều thời gian để hồi phục.

Đôi khi bác sĩ phải dùng dụng cụ trợ sinh là nẹp và ống hút để đưa em bé ra.

Nhược điểm đối với trẻ:

– Nếu ca sinh thường kéo dài quá lâu hoặc trường hợp thai nhi quá to thì trẻ có thể tự khiến mình bị thương. Trẻ có thể bị thâm tím da đầu thậm chí đôi khi gãy xương đòn.

2. Sinh mổ

Ưu điểm đối với mẹ:

– Khi sinh mổ, mẹ bầu có thể được lên kế hoạch trước, giúp mẹ bầu ít đau đớn, thậm chí còn ít phức tạp và thuận tiện hơn nhiều giờ so với những ca sinh thường kéo dài. Chỉ sau 30 phút lên bàn sinh là mẹ bầu có thể nhìn thấy con mình.

Ưu điểm đối với trẻ:

– Sinh mổ sẽ giúp em bé chào đời một cách an toàn mà không lo bị thương, đặc biệt trong trường hợp thai nhi có kích thước lớn.

– Phương pháp này dễ khắc phục khi có sự cố xảy ra, đặc biệt với những thai nhi đang trong tình trạng nguy hiểm, vì mổ đẻ có thể lấy thai nhi ra khỏi cơ thể người mẹ rất nhanh chóng.

Sinh mổ giúp bé ra đời an toàn và nhanh chóng.

Nhược điểm đối với mẹ:

– Thời gian hồi phục khi sinh mổ kéo dài hơn so với sinh thường. Mẹ bầu phải ở lại bệnh viện lâu hơn (trung bình khoảng 2-4 ngày) so với phụ nữ sinh thường.

– Việc chăm sóc mẹ bầu sau khi sinh cũng phức tạp hơn so với sinh thường, vết mổ âm ỉ kéo dài và cần thời gian để hồi phục.

– Khi sinh mổ, các mẹ sẽ mất nhiều máu và dễ bị nhiễm trùng hơn. Bên cạnh đó, đường ruột có thể bị thương trong quá trình phẫu thuật.

– Mẹ sinh mổ cho con bú muộn hơn so với phụ nữ sinh thường.

– Theo một nghiên cứu của Pháp, phụ nữ sinh con lần thứ 3 bằng phương pháp sinh mổ dễ tử vong hơn sinh thường bởi vì có khả năng nhiễm trùng hoặc biến chứng trong quá trình phẫu thuật cao hơn.

– Với sản phụ sinh mổ, muốn có thai lần nữa cần chờ ít nhất là hai năm và khoảng cách tốt nhất là 5 năm. Nếu mang thai lần tiếp theo sau khi đẻ mổ mà tiến hành phá thai, dễ phát sinh tình trạng thủng tử cung.

Nhược điểm đối với trẻ:

– Trẻ sinh mổ có nguy cơ gặp vấn đề về đường hô hấp hoặc khả năng miễn dịch yếu vì không được tiếp xúc với vi khuẩn có lợi như sinh thường.

– Bé có thể chịu ảnh hưởng của một số loại thuốc trong quá trình mổ đẻ.

– Khi sinh mổ sữa mẹ về chậm hơn, nên trẻ sinh mổ lâu được hưởng nguồn sữa non từ mẹ hoặc phải dùng hoàn toàn sữa công thức.

Theo phunugiadinh/bestie

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.