Chị Kim Anh cặm cụi kiếm sống nhờ nghề bắt gián |
Gián là con vật bẩn thỉu và là nguồn lây truyền nhiều bệnh. Thế nhưng chính nhờ nghề bắt gián để làm mồi câu cá mà một số người đã kiếm được miếng cơm ăn, đã nuôi sống được gia đình và lo cho con cái nên người.
Hơn 15 năm nay bất kể nắng mưa, chị Nguyễn Thị Kim Anh (49 tuổi, ngụ phường 10, quận 11, TP.HCM) đã lặn lội bắt từng con gián để kiếm tiền đong gạo nuôi mấy đứa con khôn lớn.
15 năm kiếm cơm nhờ…gián
Sinh ra trong gia đình đông con khó khăn nên chị Kim Anh sớm phải bươn chải phụ mẹ kiếm sống bằng đủ nghề để lo cho đàn em khi cha mất sớm.
Rồi chị lập gia đình nhỏ cùng anh Hồ Hoàng Khanh (55 tuổi). Hai bên cũng cùng cảnh nghèo như nhau. Vợ chồng cố gắng làm lụng với đủ nghề, ai thuê gì làm nấy, từ bán hủ tíu, bán vé số, rửa chén bát,...Và rồi những đứa con lần lượt ra đời càng khiến bao khó khăn chồng chất hơn.
Thế rồi như một cơ duyên khi chị đến với nghề…bắt gián. Nhớ lại mười lăm năm trước, khi chị đi làm mướn thì được ông chủ “mách nước” đến nghề lạ đời này. “Thấy tôi thân phụ nữ ốm yếu, con cái nheo nhóc, làm việc nặng hoài không nỗi nên ổng nói là thử chuyển qua nghề bắt gián thử xem. Tuy có dơ bẩn dầm mưa dãi nắng nhưng cũng đỡ hơn. May đâu mà từ đó tôi có thu nhập ổn định hơn, nói chung là cũng kiếm cơm được qua ngày”, chị Kim Anh ngậm ngùi chia sẻ.
Thế là hằng ngày chị Kim Anh cặm cụi đi bắt gián. Khoảng 3 giờ chiều chị đi đế những chỗ đất trống, bãi rác để tìm bắt gián đen và những khu chợ để bắt gián đỏ.
Một ngày cố gắng đi bắt gián chị cũng thu nhập từ 50 đến 150 ngàn đồng. Theo chị, trời mưa dễ bắt gián hơn vì đất ẩm ướt, trời nắng thì khó hơn nhiều.
Chị Kim Anh cười chia sẻ: “Mới đó mà đã 15 năm tôi kiếm cơm nhờ nghề này. Nhờ con gián mà tôi cũng lo được cho các con nên người. May là mình cũng không bị bệnh nặng gì từ con vật này. Giờ tôi cũng vẫn duy trì bắt gián để tự lo cuộc sống cho hai vợ chồng già. Nói thật không đi làm tôi cũng thấy buồn. Nghĩ lại thấy mình cũng có duyên với nghề này”.
Gián chính là mồi câu được giới câu cá ưa chuộng, nhất là dân câu cá da trơn |
Lương thiện thì làm
Bao lâu nay, hình ảnh chị Kim Anh ngày ngày đạp xe đạp, chở theo dụng cụ hành nghề là que sắt để bới đất và cái hộp đựng gián đã trở nên quen thuộc với người dân sinh sống quanh đó.
Với dụng cụ đó, chị tìm những bãi đất trống, những bãi rác đào bới và dùng tay trần bắt những con gián nhỏ cho vào hộp sắt. Do gián nhỏ nên phải dùng tay trần, nếu mang găng thì vệ sinh nhưng vướng víu khó bắt, chị Kim Anh cho biết vậy.
Có khi những chú gián nhỏ được chị mang về nhà nuôi cho lớn hơn rồi mang đi bán. Chị Kim Anh cho hay thêm là gián chính là mồi câu được giới câu cá ưa chuộng, nhất là dân câu cá da trơn (basa, cá bông lau...).
“Nói thật mới đầu đi làm cũng mắc cỡ lắm, mọi người thấy mình lúi húi bắt gián cứ hỏi làm mình ngượng. Có lần tủi thân muốn bỏ nghề nhưng thấy dẫu sao nghề này không phụ mình, ráng cặm cụi làm đều đặn cũng không đến nỗi nào. Với lại bắt gián có gì đâu mà xấu vì nó cũng là nghề lương thiện mà. Vậy là tôi theo luôn, giờ quanh đây hàng xóm ai cũng biết tôi làm nghề bắt gián”, chị Kim Anh tỏ bày về những khó khăn phải đối diện khi gắn bó với “nghề” của mình.
Và cứ thế hằng ngày chị vẫn cặm cụi hành nghề “độc” này để kiếm cơm giữa đất Sài thành. Dù nắng hay mưa, khi có người đặt hàng, bà Kim Anh phải tìm cho đủ số lượng cung cấp để giữ mối làm ăn.
Theo Đất Việt