Ngược lại, có nhiều nghiên cứu về tâm lý học cho thấy, chó mèo đã giúp người vượt qua khủng hoảng tâm lý trong giai đoạn bị cách ly xã hội hoặc điều trị bệnh Covid-19.
Không có bằng chứng vật nuôi truyền Covid-19 cho người
Vừa qua, đoạn video ghi lại hình ảnh 2 vợ chồng đi xe máy, chở theo 15 chú chó từ Long An trở về quê ở Cà Mau đã được lan truyền trên mạng xã hội. Khi gia đình này được đưa đến khu cách ly, những chú chó trên đã bị tiêu hủy. Thông tin đăng tải đã nhận được rất nhiều chia sẻ và bình luận trái chiều từ cộng đồng mạng.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Huỳnh - Đại học Y khoa California Northstate (Mỹ) cho biết: “Về mặt khoa học, không có bằng chứng cho thấy chó, lông chó, hay các động vật nuôi khác có thể lây virus SARS-CoV-2 cho người”.
Chuyên gia này dẫn chứng, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) chỉ ra rằng, không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Covid-19 có thể lây truyền từ thú nuôi sang người. Trong khi đó, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng cho biết, không có bằng chứng cho thấy virus SARS-CoV-2 tồn tại lâu trong lông thú để có thể truyền sang người.
Theo PGS Trần Huỳnh, virus SARS-CoV-2 tồn tại ngoài trời qua các giọt bắn li ti phát ra từ người bệnh Covid-19. Virus này không thể tồn tại lâu do nhiệt độ, gió và không có tế bào chủ bám vào.
“Đây cũng là lý do CDC không khuyến cáo đeo khẩu trang ở ngoài trời nơi thoáng đãng. Chống dịch phải dựa theo khoa học, không chỉ vì muốn kiểm soát mù quáng mà giết 15 con chó vô tội”, chuyên gia nhận định.
Theo Giáo sư y khoa Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales (Australia), về mặt khoa học, chưa có chứng cứ nào cho thấy chó có thể lây Covid-19 sang người. Ngoài ra, chuyên gia này cho rằng, ngay cả kết quả dương tính với Covid-19 của hai vợ chồng chủ đàn chó cũng có thể là dương tính giả. Giáo sư Tuấn nhấn mạnh, quyết định tiêu huỷ 15 con chó là phi khoa học.
Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Hồng Vũ - Viện City of Hope (Mỹ) nhấn mạnh: “Chưa có một nghiên cứu nào trong suốt hơn 1 năm qua cho thấy, bệnh Covid-19 có thể lây từ chó mèo sang người, dù rằng con người thỉnh thoảng có thể lây sang chúng.
Do vậy, chưa một tổ chức y tế trên thế giới nào có khuyến cáo phải giết chó mèo khi chủ bị bệnh Covid-19. Ngược lại, có nhiều nghiên cứu về tâm lý học cho thấy, chó mèo đã giúp người vượt qua khủng hoảng tâm lý trong giai đoạn bị cách ly xã hội hoặc điều trị bệnh Covid-19”.
Cần đưa ra giải pháp?
Trong khi đó, bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) giải thích, Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Theo quy định, nếu vật nuôi có nguy cơ lây nhiễm và truyền bệnh, người chủ không được phép mang ra khỏi nơi cư trú, thậm chí có thể buộc phải tiêu huỷ.
“Nhưng rõ ràng mọi gia đình bị nhiễm Covid-19 đều phải tiêu huỷ thú cưng thì không ổn. Thế giới đều không làm vậy, trong khi chúng ta đang ngả về hướng chấp nhận sống với virus. Cần phải có sự thay đổi bằng những quy định hợp lí hơn”, bác sĩ Phúc chia sẻ.
Theo bác sĩ Phúc, có thể đưa ra chính sách bảo hiểm thú cưng, khuyến khích người nuôi chó mèo mua bảo hiểm cho những con vật của mình. Thậm chí, đàn gia cầm của người nông dân cũng có thể được mua bảo hiểm tương ứng.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu ban hành hướng dẫn cách thức xử lý động vật có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 hoặc đã nhiễm. Bác sĩ Phúc cho rằng, mỗi địa phương có thể thành lập các trung tâm phòng chống và điều trị Covid-19 cho động vật, phù hợp với luật pháp và quy định chống dịch.
“Nên theo quan điểm của tôi, cơ quan chức năng bắt tay vào nghiên cứu, ban hành những hướng dẫn và quy định. Đó là cách thức phòng chống dịch bệnh từ xa cho con người. Cả nước có hơn 800 nghìn ca Covid-19, con số không hề nhỏ.
Có thể nhiều thú cưng đã nhiễm virus từ chủ nuôi, nên sự vào cuộc của cơ quan chức năng là cần thiết. Hãy dùng khoa học để dẫn lối cho hành động!”, bác sĩ Phúc nhấn mạnh.