Chủ nhân mắc Covid-19, chó mèo và vật nuôi có khả năng lây bệnh?

GD&TĐ - Theo chuyên gia tế, virus SARS-CoV-2 có thể không sống trong cơ thể vật nuôi hay đường hô hấp của vật nuôi, nhưng tồn tại trên bề mặt da, lông của vật nuôi và có thể lây sang người khi tiếp xúc gần.

Thú cưng cũng có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2. Ảnh: Gabriella Bass.
Thú cưng cũng có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2. Ảnh: Gabriella Bass.

Tiêu hủy 15 con chó tại khu cách ly tập trung 

Ngày 8/10, vợ chồng ông Phạm Minh Hùng và vợ chồng ông Nguyễn Duy Khanh từ Long An về Cà Mau để tránh dịch.

Khi về Cà Mau, 2 gia đình mang theo 17 con chó (4 chó lớn, 13 chó con) và 1 con mèo. Tuy nhiên, trên đường về hai gia đình đã cho 2 con chó con.

Khi về đến chốt kiểm soát dịch Covid-19 quản lộ Phụng Hiệp, vợ chồng ông Hùng thực hiện khai báo y tế, test Covid-19 cho kết quả dương tính và được đưa về huyện Trần Văn Thời cách ly tập trung tại Trường THPT Khánh Hưng.

Trong quá trình cách ly tạm thời và cách ly điều trị, 15 con chó, 1 con mèo theo hai vợ chồng ông Hùng và ông Khanh bị tiêu hủy. Thông tin tiêu hủy đàn chó nêu trên sau đó được đăng tải và phát tán nhanh trên mạng xã hội với nhiều ý kiến khác nhau.

Tại cuộc họp báo thông tin về vụ việc chiều 10/10, theo UBND huyện Trần Văn Thời  trước yêu cầu và sức ép của cộng đồng dân cư và người dân trong khu cách ly, việc tiêu hủy đàn chó là cần thiết nhằm bảo đảm phòng, chống dịch. 

Tuy nhiên, nếu đủ lực lượng quản lý chúng ta cũng có thể cô lập đàn chó, mèo ở một nơi riêng biệt, sau đó phun khử khuẩn và thực hiện quy trình giám sát tiếp theo. Trong trường hợp xác định rõ chúng đã nhiễm bệnh, giải pháp sau cùng mới là tiêu hủy.

Trong công tác phòng chống dịch Covid-19, việc đảm bảo sức khỏe, chống lây nhiễm khu cách ly là ưu tiên số 1. Bên cạnh đó, Bộ Y tế có khuyến cáo những người bị nhiễm Covid-19 không tiếp xúc gần với người khác và động vật nuôi.

Hiện tại cơ quan chức năng động viên những người bị nhiễm Covid-19 tập trung điều trị. Khi điều trị xong, huyện chỉ đạo UBND xã Khánh Hưng cùng với những người này sẽ trao đổi cụ thể. Đồng thời rà soát lại các quy định của pháp luật sẽ xem xét vấn đề này như thế nào, thuộc trách nhiệm của ai thì sẽ có hướng xử lý.

Covid-19 có thể lây từ người sang người hoặc từ động vật sang người qua 3 đường lây

Trước câu hỏi được nhiều người quan tâm là chó mèo hay vật nuôi có khả năng lây nhiễm Covid-19 hay không, thông tin trên báo chí, PGS-TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), cho biết, đến nay chưa có bằng chứng thật rõ ràng về việc chó, mèo, vật nuôi… là vật chủ trung gian truyền bệnh Covid-19 cho người, song đã có những công bố xét nghiệm thấy SARS-CoV-2 trong chó, mèo và nguy cơ lây lan theo cơ chế qua đường hô hấp của vật nuôi là thấp.

PGS Phu cho rằng, việc lây nhiễm Covid-19 từ chó, mèo là có nếu như người mắc Covid-19 ôm ấp, vuốt ve, chăm sóc chó, mèo. Khi đó, người nhiễm có thể ho, hắt hơi, lây dính nước bọt mang virus SARS-CoV-2 lên lông, da của vật nuôi.

Từ đó, người không mắc bệnh ôm ấp chó, mèo thì có thể lây dính virus lên tay, đưa lên mũi, miệng và lây nhiễm Covid-19 hoặc lông chó, mèo mang virus có thể lây dính lên các đồ vật khác và có nguy cơ lây sang người khác.

"Virus SARS-CoV-2 có thể không sống trong cơ thể vật nuôi, hay đường hô hấp của vật nuôi, nhưng tồn tại trên bề mặt da, lông của vật nuôi và có thể lây sang người tiếp xúc gần. Chó, mèo, vật nuôi khác có thể giống như "vật dụng" lây dính virus khác và lây nhiễm qua người khác khi sờ, nắm phải. Do vậy, giống như các biện pháp phòng chống lây nhiễm virus SARS-CoV-2 khác, vì vậy mọi người, đặc biệt là F0, không nên ôm ấp chó, mèo, tránh dùng chung các đồ vật khác với người nhà nếu cách ly tại nhà" - PGS Phu khuyến cáo.

Trước đó, Bộ Y tế đã ban hành Chương trình chăm sóc người mắc Covid-19 tại nhà, trong đó cảnh báo về việc có bằng chứng cho thấy virus có thể lây lan sang động vật, do đó, nếu trong gia đình có vật nuôi thì người mắc Covid-19 không được tiếp xúc với vật nuôi.

Theo Bộ Y tế, Covid-19 có thể lây từ người sang người hoặc từ động vật sang người qua các đường lây:

Qua tiếp xúc: Tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm như bắt tay, ôm hôn. Tiếp xúc gián tiếp như chạm tay vào các bề mặt nhiễm virus rồi đưa lên miệng, mắt, mũi của mình.

Qua giọt bắn: khi tiếp xúc gần (dưới 2 mét) với người nhiễm SARS-CoV-2 nói, ho, hắt hơi tạo ra các giọt có chứa virus bắn vào mắt, mũi, miệng hoặc hít phải các giọt này.

Qua không khí: Trong môi trường kín, thông khí kém, khi thực hiện chăm sóc y tế có tạo những hạt nhỏ (aerosol) chứa virus lan theo không khí và có thể gây nhiễm nếu hít phải.

Bộ Y tế khuyến cáo cả người nhiễm lẫn người cùng nhà đều không nên tiếp xúc với vật nuôi. Cũng không để vật nuôi tiếp xúc với người và các động vật khác ngoài gia đình.

Trên thế giới cũng đã ghi nhận các báo cáo về vật nuôi hoặc động vật nói chung mắc Covid-19. Hầu hết các con vật nhiễm bệnh sau khi ở gần chủ, người chăm sóc nhiễm Covid-19. 

Theo Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), nguy cơ thú nuôi lây lan virus gây Covid-19 ở người được coi là thấp. Có một số lượng nhỏ động vật trên thế giới được báo cáo là bị nhiễm virus gây ra Covid-19, chủ yếu là sau khi tiếp xúc gần với một người mắc Covid-19. Do đó, cơ quan y tế Mỹ khuyến cáo, nếu bạn mắc Covid-19 nên tránh tiếp xúc với thú nuôi của mình, bao gồm vuốt ve, ôm nựng, để cho hôn hoặc liếm và chia sẻ thức ăn hoặc nằm chung giường.

"Nếu có thể, hãy nhờ một thành viên khác trong gia đình chăm sóc thú cưng của bạn trong khi bạn bị ốm. Nếu bạn phải chăm sóc thú cưng của mình hoặc ở gần động vật khi bạn bị bệnh, hãy rửa tay trước và sau khi bạn tiếp xúc với thú cưng, và đeo một miếng vải che trên mặt của bạn"- FDA hướng dẫn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.