140 sinh viên nhận học bổng Nâng bước thủ khoa năm 2022

GD&TĐ - Ngày 1/12, Báo Tiền Phong và Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam tổ chức chương trình vinh danh và trao học bổng “Nâng bước thủ khoa 2022”.

Thủ khoa các trường đại học vinh dự nhận học bổng Nâng bước thủ khoa năm 2022.
Thủ khoa các trường đại học vinh dự nhận học bổng Nâng bước thủ khoa năm 2022.

Tham dự sự kiện có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn; Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết; Nhà báo Lê Xuân Sơn - TBT Báo Tiền Phong, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức chương trình “Nâng bước thủ khoa 2022”; đại diện lãnh đạo bộ, ban ngành; lãnh đạo các trường đại học, các nhà tài trợ cùng các sinh viên thủ khoa nhận học bổng.

Chương trình “Nâng bước thủ khoa” do báo Tiền Phong sáng kiến tổ chức đã trở thành một hoạt động thường niên có ý nghĩa. Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động phối hợp giữa báo Tiền Phong và Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (do báo Tiền Phong làm thường trực) nhằm chăm sóc động viên các tài năng trẻ.

“Nâng bước thủ khoa” nhằm tôn vinh, trao học bổng cho các tân thủ khoa đầu vào có hoàn cảnh khó khăn của các trường đại học, học viện trong cả nước. Hồ sơ xét chọn dựa trên giới thiệu của các trường đại học về thành tích học tập, kết quả thi, hoàn cảnh (chứng nhận hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn của chính quyền địa phương) và tâm thư bày tỏ khát vọng, vượt khó khăn để vươn lên trong cuộc sống của các em.

Năm 2022, Ban Tổ chức chương trình Nâng bước thủ khoa nhận được hơn 300 hồ sơ ứng viên; trong đó đa phần là các em có hoàn cảnh khó khăn là hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, khuyết tật…

Sau khi xét chọn, Ban Tổ chức chương trình đã quyết định trao học bổng “Nâng bước thủ khoa năm 2022” cho 140 tân sinh viên là thủ khoa và sinh viên có thành tích xuất sắc đầu vào các trường đại học trên cả nước, có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó có 70 sinh viên các trường đại học khu vực phía Bắc (từ Quảng Trị trở ra) và 70 sinh viên các trường đại học khu vực phía Nam.

Thống kê cho thấy trong số 140 sinh viên được nhận học bổng năm nay có 42 em là người dân tộc thiểu số, chiếm 30%. 66 học viện, trường đại học có sinh viên được nhận học bổng năm nay.

Qua hồ sơ xét chọn, ban tổ chức đã hoàn toàn bị thuyết phục bởi ý chí vươn lên, thành tích học tập các em, đặc biệt là ước mơ và khát vọng tân sinh viên thể hiện thông qua những bức tâm thư.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam tại lễ trao học bổng.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam tại lễ trao học bổng.

Trong số đó, Nguyễn Xuân Bách (quê Thạch Thất, Hà Nội), thủ khoa đầu vào của Trường ĐH Xây dựng Hà Nội có hoàn cảnh rất đặc biệt. Từ năm lớp 4, Bách được chẩn đoán mắc bệnh động kinh. Những cơn co giật thi thoảng lại đến, khi thì chỉ vài giây nhưng có lúc kéo dài đến vài phút. “Những lúc như vậy, tâm trí em như “đăng xuất” khỏi cơ thể, mọi thứ chỉ còn lại một khoảng trống vô tận”, Bách chia sẻ.

Bách có khoảng thời gian khá tồi tệ, rất dễ bị kích động, dẫn đến nhiều lần gây gổ, đánh nhau với bạn. Cậu tự nhận bản thân rất lười học trong suốt những năm học phổ thông. Do nhờ sự giúp đỡ của hai người bạn mà Bách đã “sáng mắt, sáng lòng”, nhìn nhận lại bản thân. “Khi đó em mới thấy có nhiều lý do, động lực để học. Em học vì hai anh trai, những người học rất giỏi nhưng đã từ bỏ giấc mơ học đại học để đi theo nghiệp sĩ quan vì không có điều kiện. Học vì muốn xây dựng đất nước thay vì bảo vệ đất nước như hai anh trai”, Bách trải lòng.

Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bách đạt 27,1 điểm/tổ hợp 3 môn, trở thành một trong 3 thủ khoa đầu vào của Trường ĐH Xây dựng Hà Nội.

Hay như nữ sinh xứ dừa Bến Tre, Phạm Thị Tú Nguyên đã nhiều đêm mất ngủ và khóc hết nước mắt sau khi biết kết quả trúng tuyển vào Trường ĐH Tài chính – Marketing TPHCM nhưng lo không có tiền đóng học phí.

Nhà nghèo, ba mẹ lớn tuổi nên thường xuyên đau ốm, lại có anh trai tật nguyền nên nỗi lo học phí luôn là vấn đề nan giải với Nguyên. “Dù khó khăn nhưng ba mẹ luôn động viên em cố gắng học, chỉ có học mới giúp con không giống với ba mẹ. Nghe lời, em đã cố gắng học nên suốt 12 năm phổ thông đều đạt học sinh giỏi, nhiều giải thưởng cấp huyện, cấp tỉnh…”, Nguyên tâm sự.

Với thành tích học giỏi, Nguyên đã dùng điểm phổ thông của mình để xét tuyển và trúng tuyển vào Trường ĐH Tài chính- Marketing với danh vị thủ khoa đầu vào. Việc đậu đại học là niềm vui và niềm tự hào nhưng cũng đi kèm với nỗi lo vì không biết tiền đâu để đóng học phí.

Nguyên cho biết, nhiều bạn bè xung quanh em có hoàn cảnh khó khăn đều đã nghỉ học đi làm ở các khu công nghiệp, có bạn lên TPHCM làm thuê và cũng có bạn đã lấy chồng…

“Em cũng đã từng tự hỏi “mình có nên nghỉ học hay không”. Học thì lấy tiền đâu ra bây giờ? Học tiếp có phải là điều xa xỉ, ích kỷ hay không khi gia đình còn nghèo”, Nguyên tâm sự và cho biết nhiều đêm sau khi biết kết quả đại học, em không tài nào ngủ được vì suy nghĩ rất nhiều. Vượt qua được đấu tranh tâm lý, Nguyên quyết định theo học đại học và được ba mẹ ủng hộ để thay đổi cuộc đời.

Ngoài những gương tân thủ khoa vượt khó học giỏi, ban tổ chức cũng trao 10 suất học bổng cho các sinh viên tiêu biểu từng nhận học bổng Nâng bước thủ khoa năm trước. Mỗi suất học bổng gồm 10 triệu đồng tiền mặt cùng với nhiều hiện vật giá trị lên tới vài chục triệu đồng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.