13 điều giáo viên cần biết

GD&TĐ - Học sinh bị bệnh lupus ban đỏ có thể cần được chăm sóc và hỗ trợ ở trường.

Giáo viên cần hiểu rõ những ảnh hưởng mà bệnh lupus có thể gây ra cho người học. Ảnh minh họa
Giáo viên cần hiểu rõ những ảnh hưởng mà bệnh lupus có thể gây ra cho người học. Ảnh minh họa

Dưới đây là 13 điều mà các nhà giáo dục nên biết về lupus ban đỏ, trong trường hợp học sinh mắc bệnh này.

Ảnh hưởng như thế nào?

Lupus có thể gây viêm (sưng) và đau ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể. Đây là một bệnh tự miễn. Điều đó có nghĩa là hệ thống miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh (mô là cấu tạo của các cơ quan). Bệnh lupus thường tác động đến da, khớp, thận, não và phổi. Tuy nhiên, các bộ phận khác của cơ thể cũng có thể bị ảnh hưởng.

Nhiều triệu chứng khác nhau

Lupus có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau. Những triệu chứng này xuất hiện và kết thúc cũng như thay đổi theo thời gian. Do đó, giáo viên cần nhận biết các triệu chứng bệnh nếu học sinh mắc lupus, đồng thời trao đổi với cha mẹ hoặc người chăm sóc của trẻ. Nhờ đó, tìm hiểu thêm về những yếu tố cần theo dõi sức khỏe khi trẻ ở lớp.

Cơ chế ảnh hưởng khác nhau

Đối với một số người, bệnh lupus có thể nhẹ. Đối với những người khác, căn bệnh này có thể đe dọa tính mạng họ. Giáo viên có thể không nhìn thấy các triệu chứng bệnh của một số học sinh. Nhưng hãy nhớ rằng, mặc dù một số học sinh mắc bệnh lupus trông khỏe mạnh, nhưng trẻ có thể không cảm thấy như vậy.

Khó khăn kiểm soát bệnh

Trẻ mắc bệnh lupus cùng gia đình của các em cần có sự quan tâm, nỗ lực và hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Nhờ đó, giúp kiểm soát các triệu chứng bệnh lupus. Không chỉ ở nhà, trẻ mắc bệnh lupus còn cần nhận được sự quan tâm và phối hợp từ nhà trường cũng như giáo viên.

Chăm sóc kịp thời

Học sinh mắc bệnh lupus có thể cần sẵn sàng để mô tả tình trạng sức khỏe cho nhân viên y tế của trường. Qua đó, nhân viên y tế sẽ hỗ trợ và chăm sóc sức khỏe của người học.

Trong trường hợp đột xuất, giáo viên hãy đảm bảo rằng mình biết rõ đâu là người được chỉ định chăm sóc học sinh. Ngoài ra, giáo viên cũng cần nắm rõ phương thức liên lạc với cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ.

Vấn đề tâm lý

Để hòa nhập, một số trẻ có thể che giấu tình trạng bệnh của mình với bạn cùng lớp, giáo viên và mọi người. Do đó, điều quan trọng đối với nhân viên nhà trường, đặc biệt là giáo viên cần giúp học sinh kiểm soát bệnh lupus của mình, mà vẫn cảm thấy được hòa nhập.

Kế hoạch học tập

Học sinh mắc bệnh lupus có thể có Kế hoạch Giáo dục Cá nhân (IEP) hoặc cần được hỗ trợ nhiều hơn trong học tập. Khi đó, giáo viên nên hiểu rõ đâu là những điều cần đưa vào kế hoạch và có trách nhiệm giúp học sinh. Nếu một học sinh không có kế hoạch, nhưng thực tế là trẻ cần, giáo viên hãy nói chuyện với nhân viên thích hợp của trường học.

Có thể nghỉ học

Học sinh bị bệnh lupus có thể nghỉ học nhiều ngày vì lý do sức khỏe. Nếu được phép tham gia chương trình học tập cá nhân, học sinh đó có thể sẽ cần thêm thời gian để hoàn thành bài tập. Trẻ cũng có thể mất nhiều thời gian hơn để làm bài, hoặc mượn ghi chép của bạn cùng lớp cũng như cần tới sự hỗ trợ từ gia sư để theo kịp các bài giảng.

Tránh tiếp xúc với mầm bệnh

Trẻ em bị bệnh lupus có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng do vi trùng, như virus và vi khuẩn. Do đó, giáo viên cần khuyến khích học sinh mắc bệnh lupus rửa tay thường xuyên trong ngày. Trẻ cũng cần vệ sinh thiết bị dùng chung trong lớp và tránh ngồi gần các bạn cùng lớp đang nhiễm bệnh.

Điều chỉnh hoạt động

Học sinh mắc bệnh lupus có thể cần phải điều chỉnh một số hoạt động thể chất để phù hợp với tình trạng sức khỏe. Ví dụ, trẻ cần có thời gian giải lao nhiều hơn trong ngày, hoặc được phép sử dụng thang máy của trường.

Nếu học sinh mắc lupus được giáo dục cá nhân, trẻ có thể có nhiều thời gian hơn để hoàn thành các bài kiểm tra, bài kiểm tra tiêu chuẩn và bài tập.

Đề phòng tia cực tím

Giáo viên cần khuyến khích học sinh bị bệnh lupus có biện pháp bảo vệ an toàn khỏi ánh nắng Mặt trời hằng ngày. Cụ thể, trẻ cần sử dụng quần áo và kem chống nắng thường xuyên. Khi có thể, giáo viên hãy lên lịch cho các hoạt động ngoài trời vào buổi sáng hoặc muộn hơn vào buổi chiều.

Gây mệt mỏi cực độ

Trẻ em bị bệnh lupus có thể thường cảm thấy rất mệt mỏi hoặc dễ mệt mỏi, bất kể chúng dành bao nhiêu thời gian để ngủ. Nếu một đứa trẻ bị bệnh lupus tỏ ra mệt mỏi, điều đó có nghĩa là chúng cần phải nghỉ ngơi. Hoặc, trẻ cần nghỉ ngơi trong thời gian ngắn.

Tác dụng phụ của thuốc

Các tác dụng phụ của thuốc điều trị lupus có thể bao gồm sưng mặt và cổ, tăng cân, tóc mỏng và mụn trứng cá. Đồng thời, có thể khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, lo lắng và thay đổi tâm trạng.

Sử dụng thuốc Corticosteroid là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để kiểm soát tình trạng viêm trong bệnh lupus ban đỏ. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như tăng cân, rạn da, tăng huyết áp, loãng xương, trầm cảm, tiểu đường, bệnh tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể. Vì vậy, trẻ cần được theo dõi chặt chẽ các tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình điều trị.

Theo Lupus.org

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ