12 điểm mới trong Bộ luật Lao động sửa đổi

GD&TĐ - Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua với nhiều nội dung mới có lợi hơn cho người lao động. Trong đó bao gồm những điểm đáng chú ý như: Phạm vi bảo vệ, ngày nghỉ được hưởng lương, quy định về lao động nữ…

Bộ luật Lao động sửa đổi đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đến đối tượng lao động phi chính thức.
Bộ luật Lao động sửa đổi đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đến đối tượng lao động phi chính thức.

Mở rộng phạm vi bảo vệ

Lần đầu tiên Bộ luật mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Bộ luật Lao động đối với người làm việc tại khu vực không có quan hệ lao động, những người lao động được tuyển dụng nhưng không được ký hợp đồng lao động bằng văn bản. Như vậy, sẽ có thêm rất nhiều người lao động được hưởng lợi từ sự bảo vệ của pháp luật lao động.

Trong Bộ luật Lao động sửa đổi lần này, người lao động tại doanh nghiệp được quyền thành lập hay tham gia một tổ chức đại diện do họ lựa chọn mà không nhất thiết phải là thành viên của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Quy định về quyền của cán bộ tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bảo đảm cho người đại diện người lao động không bị phân biệt đối xử của người sử dụng lao động. Được sử dụng thời gian làm việc để thực hiện các công việc của tổ chức và vẫn được trả lương. Được hưởng các bảo đảm khác trong quan hệ lao động và trong việc thực hiện chức năng đại diện theo quy định của pháp luật.

Các quy định mới về hợp đồng lao động theo hướng bảo vệ tốt hơn cho người lao động như: Thỏa thuận về việc làm có trả công, tiền lương, hình thức giao kết hợp đồng lao động thông qua phương tiện điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản, người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do mà chỉ cần báo trước theo thời hạn quy định tương ứng với các loại hợp đồng lao động…

Bảo đảm hơn quyền lợi của người lao động trong quá trình thử việc bằng thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng thử việc. Tiền lương thử việc phải bằng ít nhất 85% mức lương của công việc đó. Người thử việc được quyền yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của mình khi chấm dứt hợp đồng lao động, các chi phí của việc cung cấp này do người sử dụng lao động trả...

Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người học nghề, tập nghề thông qua các quy định cho người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình, quy định thời gian học nghề, tập nghề. Ký kết hợp đồng đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm các quyền lợi về lương, BHXH và các quyền lợi khác của người lao động.

Tăng ngày nghỉ và quyền lợi

Bổ sung thêm một ngày nghỉ hưởng nguyên lương đối với người lao động liền kề với Ngày Quốc khánh 2/9, và trường hợp người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương. Các trường hợp tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm và không quá 40 giờ/tháng nhằm bảo đảm lợi ích lâu dài cho người lao động.

Bảo đảm bình đẳng giới, Bộ luật quy định riêng đối với lao động nữ và đã được thay đổi về quan điểm tiếp cận bảo đảm quyền việc làm, quyền lao động của lao động nữ, vừa tạo điều kiện mở rộng cơ hội việc làm cho lao động nữ mà vẫn bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn về lao động. Bổ sung quy định trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới...

Sửa đổi, bổ sung các quy định bảo vệ tốt hơn cho lao động chưa thành niên theo hướng áp dụng bao gồm cả khu vực lao động phi chính thức, khu vực không có quan hệ lao động. Trong đó, quy định cụ thể về giờ làm việc tối đa với lứa tuổi, cấm các công việc và nơi làm việc đối với lao động là người chưa thành niên.

Bổ sung định nghĩa về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc phòng, chống, trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Quy định linh hoạt quyền lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp lao động sau khi tiến hành thủ tục hòa giải, không quy định sự can thiệp, giải quyết hành chính của Nhà nước đối với giải quyết tranh chấp lao động. Bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan chuyên môn về lao động - thương binh và xã hội thuộc UBND là đầu mối tiếp nhận các yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động, có trách nhiệm phân loại, hướng dẫn hỗ trợ và giúp đỡ các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.

Quy định mở rộng phạm vi áp dụng của thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc thỏa ước lao động tập thể nhiều doanh nghiệp nhằm khuyến khích áp dụng các thỏa thuận có lợi hơn đối với người lao động. Quy định về nguyên tắc nhằm bảo đảm quyền của các tổ chức đại diện người lao động và tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong đối thoại, thương lượng, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ