Dự án được thực hiện trong 5 năm, từ nguồn vốn ngân sách T.Ư và các nguồn huy động khác, nhằm bảo tồn di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới với quy mô đầu tư cụ thể cho từng công trình tại lăng Tự Đức, như: Lương Khiêm Điện, Chí Khiêm Đường, Lễ Khiêm Vu, Pháp Khiêm Vu, Tiểu Khiêm Trì và khu vực hồ Lưu Khiêm.
Đối với di tích Lương Khiêm Điện: sẽ bảo tồn, tu bổ công trình có diện tích nền 532 mét vuông; hệ khung chính làm bằng gỗ, các cấu kiện gỗ được sơn quang; phần mái nhà chính lợp ngói âm dương Hoàng Lưu Ly, mái hai hành lang lợp ngói âm ống Thanh Lưu Ly; tu bổ, phục hồi nền điện, chái lát gạch Bát Tràng; tu bổ, phục hồi hệ thống lan can 153,15 mét; phục hồi các sân lát gạch Bát Tràng 2.446,6 mét vuông; tu bổ, phục hồi tường, cổng 94,2 mét vuông; bảo tồn, tu bổ nội thất công trình.
Chí Khiêm Đường: sẽ tu bổ, phục hồi công trình có diện tích nền 370 mét vuông; hệ khung chính làm bằng gỗ, các cấu kiện gỗ được sơn quang; phần mái nhà chính lợp ngói âm dương Thanh Lưu Ly, mái hai hành lang lợp ngói liệt Thanh Lưu Ly; tu bổ, phục hồi nền nhà chính, hành lang lát gạch Bát Tràng; phục hồi sân lát gạch Bát Tràng 90,81 mét vuông; tu bổ, phục hồi tường, cổng, nội thất công trình.
Riêng Khu vực hồ Lưu Khiêm: sẽ nạo vét hồ 10.500 mét vuông; phục hồi hệ thống đường dạo 2.268,4 mét vuông; tu bổ hệ thống lan can 1.014,4 mét vuông; tu bổ hệ thống kè; tôn tạo Đảo Tịnh Khiêm; phục hồi Đình Nhã Khiêm, Đình Lạc Khiêm: các công trình làm bằng gỗ, các cấu kiện gỗ được sơn quang, phần mái lợp ngói liệt Hoàng Lưu Ly, nền lát gạch Bát Tràng; phục hồi cầu chữ chi 59,48 mét vuông.
Lăng Tự Đức được xây dựng từ 1866, tức năm Tự Đức thứ 19 với diện tích rộng khoảng 12 ha, nằm trong một thung lũng hẹp tại phường Thủy Xuân (TP Huế). Đây là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc cung đình thời Nguyễn. Trải qua chiến tranh và thời gian nên phần lớn các công trình kiến trúc (phần lớn là kiến trúc gỗ) đã xuống cấp trầm trọng.
Điều đặc biệt ở Lăng Tự Đức đo chính là gần 50 công trình trong lăng Tự Đức ở cả hai khu vực tẩm điện và lăng mộ đều có chữ Khiêm trong tên gọi. Lối đi lát gạch Bát Tràng bắt đầu từ cửa Vụ Khiêm đi qua trước Khiêm Cung Môn rồi uốn lượn quanh co ở phía trước lăng mộ. Qua khỏi cửa Vụ Khiêm và miếu thờ Sơn Thần là khu điện thờ, nơi trước đây là chỗ nghỉ ngơi, giải trí của vua.
Đầu tiên là Chí Khiêm Đường ở phía trái, nơi thờ các bà vợ vua. Tiếp đến là 3 dãy tam cấp bằng đá Thanh dẫn vào Khiêm Cung Môn - một công trình hai tầng dạng vọng lâu như một thế đối đầu tiên với hồ Lưu Khiêm ở đằng trước.
Giữa hồ có đảo Tịnh Khiêm với những mảnh đất trồng hoa và những hang nhỏ để nuôi thú hiếm. Trên hồ Lưu Khiêm có Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ, nơi nhà vua đến ngắm hoa, làm thơ, đọc sách... Ba cây cầuTuần Khiêm, Tiễn Khiêm và Do Khiêm bắt qua hồ dẫn đến đồi thông.