70 người chết mỗi ngày vì đái tháo đường
Theo thống kê, tại Việt Nam đang có tới 5 triệu người chung sống với bệnh đái tháo đường, gấp 10 lần so với 10 năm trước đây và có nguy cơ gia tăng mạnh.
Nguy hiểm hơn, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng chóng mặt và ngày càng trẻ hóa, rất nhiều người trong độ tuổi 25 - 30 mắc đái tháo đường mà không hay biết. Thậm chí, tại nước ta đã ghi nhận có những trường hợp trẻ 12, 13 tuổi bị đái tháo đường type 2.
Trong khi đó, đáng nói là nhiều người mắc đái tháo đường lại không biết mình bị bệnh. Hiện nay, chỉ có trên 30% số bệnh nhân đái tháo đường trong độ tuổi từ 18 - 69 tuổi được chẩn đoán, còn đến gần 70% chưa được chẩn đoán, phát hiện.
TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông tin, đái tháo đường là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 4 trong số các bệnh mãn tính không lây nhiễm, chỉ sau tim mạch, ung thư và phổi tác nghẽn mạn tính.
Riêng trong năm 2017, có 29.000 người chết do các nguyên nhân có liên quan đến đái tháo đường, tương đương với 80 ca tử vong/ngày.
TS.BS Nguyễn Quang Bảy – Trưởng khoa Nội tiết và Đái tháo đường (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, đái tháo đường có thể được coi là đại dịch còn bởi nó có nguy cơ gây ra gánh nặng bệnh tật gấp 20-40 lần so với những bệnh lây nhiễm. Việc điều trị rất tốn kém cho bản thân người bệnh và gia đình, có thể chiếm tới 50% tổng thu nhập gia đình.
Biến chứng của căn bệnh đã không còn là của riêng “người giàu” này rất kinh hoàng. Nó là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, suy thận, gây cụt chi (chỉ sau tai nạn giao thông), nhồi máu cơ tim, đột quỵ, bất lực, rối loạn nhận thức, giảm tuổi thọ, giảm chất lượng cuộc sống.
Trên thế giới, cứ mỗi giờ có thêm 1.000 người mắc đái tháo đường mới; cứ mỗi 8 giây lại có 1 người chết do bệnh này; cứ 5 phút lại có 1 người đái tháo đường bị nhồi máu cơ tim, cứ mỗi 30 giây có 1 người đái tháo đường bị cắt chân.
Dự phòng từ những yếu tố nguy cơ
Bệnh đái tháo đường đang gia tăng, đặc biệt là tại các nước đang phát triển (như Việt Nam), trở thành mối nguy hiểm với tất cả mọi người, có thể xảy ra bất cứ khi nào, không chờ đợi ai.
Theo TS Trương Đình Bắc, bệnh có nguyên nhân quan trọng là do các hành vi nguy cơ như dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc và uống nhiều rượu bia.
Điều tra của Bộ Y tế cho thấy, khoảng 45,3% nam giới Việt Nam (tương đương 16 triệu người) hút thuốc lá, 77% nam giới uống rượu, bia và gần một nửa (44%) nam giới uống ở mức nguy hại; hơn một nửa số người trưởng thành ăn thiếu rau/trái cây; 30% dân số hiện nay thiếu hoạt động thể lực và 16% người trưởng thành mắc thừa cân béo phì.
Sự gia tăng các hành vi nguy cơ đã dẫn tới các rối loạn sinh - chuyển hóa như thừa cân béo phì, rối loạn đường máu, mỡ máu, từ đó dẫn tới mắc bệnh.
Theo TS Trương Đình Bắc, nhiều bằng chứng khoa học cho thấy nếu loại trừ được các hành vi nguy cơ sẽ giúp phòng tránh được ít nhất 80% các bệnh tim mạch, đái tháo đường type 2.
Theo đó, nếu bị thừa cân (BMI>23) hoặc béo phì cần duy trì giảm cân đều đặn, tránh lối sống tĩnh tại, thay vào đó, mọi người cần tích cực vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày, tối thiểu 5 ngày/tuần. Song song đó cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều rau xanh, giảm tinh bột, đường, giảm muối.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, nếu một người ăn đủ 5 suất rau, tương đương 400 gam rau xanh và quả chín mỗi ngày có thể giúp giảm 2 lần nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, mỡ máu và tăng khả năng dự phòng với các bệnh không lây nhiễm khác.
Cần phải hạn chế các loại đồ uống không lành mạnh như rượu, bia, nước ngọt có ga và không hút thuốc lá... Tránh stress cũng góp phần giảm nguy cơ tim mạch ở bệnh nhân có nguy cơ bị đái tháo đường.
Quản lý bệnh ngay tại tuyến y tế gần dân nhất
Việc quản lý bệnh ĐTĐ ngay tại tuyến y tế cơ sở, trọng tâm là trạm y tế xã là một trong giải pháp quan trọng mang lại nhiều lợi ích, chi phí hiệu quả cho người dân và cơ quan quản lý. Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia y tế, tầm soát, quản lý bệnh nhân đái tháo đường tại tuyến y tế cơ sở vẫn chưa được chú trọng đúng mức.
Báo cáo của Cục Y tế dự phòng cho thấy, chỉ 29% người bệnh đái tháo đường được quản lý tại cơ sở y tế. Nhiều bệnh nhân chủ quan, không thực hiện được việc điều trị lâu dài, liên tục theo hướng dẫn chuyên môn khiến nhiều người gặp biến chứng
Bên cạnh đó, việc thiếu cơ chế, chính sách về tài chính, BHYT hỗ trợ cho việc quản lý bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã, tại cộng đồng, năng lực cán bộ y tế tại tuyến y tế cơ sở chưa đồng đều cũng tạo ra “khoảng trống” trong quản lý, điều trị bệnh.
Nhằm ứng phó với sự gia tăng của bệnh không lây nhiễm và giải quyết khoảng trống trong quản lý, điều trị, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2559/QĐ-BYT ngày 20/4/2018 về Kế hoạch tăng cường thực hiện điều trị, quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn giai đoạn 2018-2020.
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Sức khoẻ Việt Nam, với mục tiêu đến năm 2025, sẽ có ít nhất 50% bệnh nhân tiểu đường được phát hiện bệnh và tiếp tục tăng lên 70% vào năm 2030, đồng thời tăng tỉ lệ bệnh nhân được quản lý tại các cơ sở y tế lên 30-40% trong 10 năm tới.